duchue
member
ID 42419
06/07/2008

|
Chương kết: HÔM QUA VÀ HÔM NAY

Chương kết : Hôm qua và hôm nay
Chủ nhật. Đúng bẩy giờ, Nguyễn gặp Linh tại bến ca nô. Linh bảo anh đợi một lát để cô đi liên hệ mượn xuồng. Nguyễn vui vẻ gật đầu, đứng tựa lưng vào một gốc bàng bên bờ vịnh, mắt nhìn quang cảnh đông vui mhộn nhịp của bến thuyền nhưng đầu óc lại nghĩ ngợi linh tinh đủ thứ.
Mấy chục năm sống ở thành phố biển, đã không biết bao lần Nguyễn có dịp du thuyền ra vịnh, không chỉ tham quan vãn cảnh mà còn làm nhiệm vụ sưu tầm tìm hiểu vẻ đẹp thiên nhiên hay cuộc sống dân chài để viết bài cho báo. Chuyến đi nào anh cũng thấy trong lòng chộn rộn một niềm vui, như có cái gì đó đang đợi mình phía trước. Quả như thế thật, bao giờ ra vịnh, Nguyễn cũng tìm được một vài chuyện lạ để đưa vào trang viết. Nếu bây giờ học theo mấy bậc đàn anh được xem là viết năng suất nhất hiện nay, cất công thu gom toàn bộ những bài viết ấy, trong đó có những bài từng được người ta tuyển chọn vào các tập sách hay của một thế kỷ văn chương rồi đem in thành sách, dễ có đến ngàn trang chứ ít à, không chừng còn trở thành món ăn lạ miệng cũng nên ấy chứ! Nhưng vơ bèo vạt tép như vậy để làm gì nếu như rốt cục nó chỉ là một thứ văn phẩm tầm tầm, mô phỏng hiện thực nhằm minh họa cho một ý tưởng vĩ mô nào đó. Văn chương mà sa vào mô phỏng hiện thực sẽ trở thành cái bóng của hiện thực, và người viết sẽ trở thành cái bóng của những ai ai đó, chứ không còn là chính anh ta. Cố nhiên đây cũng là một cách thể hiện và nếu ai còn tự nguyện thì càng tốt, song cũng còn nhiều cách làm khác cũng nên chấp nhận. Văn chương cũng giống như tình yêu, không thể và không nên ép buộc. Sự ép buộc sẽ làm thui chột tài năng, thủ tiêu cá tính, làm công chức hóa cả một lớp người cầm bút, làm cho những tác phẩm văn chương lẽ ra có thể sáng giá hơn lại chỉ dừng ở mức văn học của một thời.
Gần đây người ta hay bàn về giá trị đích thực của văn chương, về cái tâm và cái tài của người cầm bút. Người cầm bút không chỉ phải có tài mà còn phải có tâm, hiển nhiên là vậy. Nhưng nếu chỉ thế thôi thì chưa đủ. Nguyễn cho rằng đối với mỗi đời văn, cái cần hơn, cao hơn là cái Đức Tin. Vấn đề là tin ở cái gì? Nếu sự sáng tạo nghệ thuật luôn thuộc về nhân loại thì đức tin của kẻ viết cũng phải cao hơn cái lẽ thường. Phải biết tin vào sự quân bình tuyệt đối của vạn vật được tạo nên do một quyền năng nào đó. Điều này tưởng rất vu vơ nhưng vô cùng ứng nghiệm, xác xuất không sai là mấy. Nó rất gần gũi với thuyết "Nhân quả công bằng" trong đạo Phật. Không phải nhân quả theo logic thông thường, hữu hình hữu hạn mà vươn tới cái chân ngã thâm diệu, xuyên suốt thời gian xuyên suốt không gian. Khi có được đức tin như vậy, kẻ viết sẽ vượt thoát được vòng cương tỏa của tham vọng và ngộ nhận, sẽ biết cách gìn giữ hay loại bỏ những gì mình gặp trên đường, sẽ không phải băn khoăn hối tiếc gì về cái mất hay cái được của mình trên con đường vận hà trong cái thế giới quân bình đó. Và hạnh phúc hơn, sẽ luôn giữ được cái tâm ngay cả khi phải chịu nhiều khổ nạn, để không dùng những mánh lới, thủ đoạn tinh vi học được ở đời nhằm mưu cầu lợi ích riêng mà chỉ phơi bày nó lên trang viết như một kinh nghiệm sống của mình tâm sự cùng bạn đọc. Phải chăng những trang văn đích thực chỉ có thể ra đời khi kẻ viết có được đức tin như thế?
Dòng suy nghĩ bị cắt ngang khi chiếc xuồng máy vè vè chạy đến. Nguyễn quay đầu nhìn xuống quãng nước sâu, thấy Linh đang ngước lên cười. Nhìn cô Nguyễn không khỏi ngạc nhiên, không biết cô kiếm đâu ra bộ đồ thể thao trắng tinh, vận trên người, trông giống cô Linh trong tác phẩm của anh như hệt. Và nụ cười của cô cũng như muốn hỏi:"Xem này, em có giống cô nàng ấy của anh không?"
Thấy Nguyễn đứng ngây ra, Linh vui vẻ giục :
-Xuống đi anh, đi vòng qua bậc đá bên này. Cẩn thận không té đấy!
Khi Nguyễn đã ngồi yên vị sau tay lái, Linh khéo léo cho xuồng lượn một vòng rồi quay mũi hướng ra phía đảo. Cách họ không xa, một chiếc ca nô chở khách tham quan cũng bắt đầu rời bến. Mấy vị khách nước ngoài to béo đứng trước mũi tàu, giơ máy quay phim dõi theo chiếc xuồng của Linh và Nguyễn. Chắc họ quay chơi chứ không phải dân chuyên nghiệp, máy quay phim bé tí.
- Ra đảo nào đây anh?
- Hòn Cánh Chuồn. Chỗ người ta vừa phát hiện ra một hang động mới.
- Anh nhặt được cuốn sổ tay ở đấy à?
- Ừ. Hôm đi với đoàn của sở Văn hóa vào hang, lúc quay ra nhặt được, hỏi cả đoàn chẳng ai nhận cả. Có người mách rằng trước đó có một đoàn khảo cổ về đây, chắc là...
-Nhưng theo câu chuyện anh kể thì chẳng ăn nhập lắm, ở đó có nhân vật nào đi khảo cổ đâu?
-Thế mới khó! Đành phải cầu may vậy.
Hòn Cánh Chuồn hiện ra sau khúc ngoặt. Nó đứng riêng một mình, cách khá xa những hòn đảo khác, trông xa hơi giống cái mũ quan. Đó đây thấp thoáng những cánh buồm lờ lững. Linh ghé xuồng vào chân đảo, neo lại và bảo Nguyễn:
-Anh lên đi. Em ngồi đây đợi. Còn phải trông xuồng chứ!Nguyễn gật đầu, xắn quần lội nước, leo lên đảo. Đến cửa hang thấy một thanh niên đang ngồi đọc sách. Cậu ta ngó ra nhìn, khẽ reo lên:
-Chú Nguyễn!
Nguyễn nhận ra đó là cậu nhân viên Ban quản lý vịnh, cách đây ít hôm anh có dịp đi cùng. Cậu ta cho biết từ hôm người ta phát hiện ra hang động mới này, cậu được Ban quản lý cử ra đây bảo vệ. Nguyễn nhìn chàng trai trẻ, khẽ mỉm cười
- Chắc trong này có một kho báu?
- Kho báu gì đâu chú. Cháu vào chỉ thấy toàn đá đầu sư, mà xem ra cũng chẳng lấy gì làm đẹp. Lối vào thì ngoắt nghéo quanh co, tối như hũ nút. Chẳng có gì mà các sếp cứ bắt cháu phải ra đây trực, suốt ngày ngồi giữ như mả tổ, buồn muốn khóc! Thế chú lên có việc gì vậy, sao lại chỉ đi có một mình?
- Chú muốn xem lại cái hang một chút, để viết bài cho nó chuẩn.
- Vậy để cháu đưa chú vào xem.
Nguyễn theo chàng trai trẻ vào hang, nhờ cậu ta dọi đèn nhìn lại cái khe giữa hai tảng đá, nơi anh nhặt được cuốn sổ tay hôm nọ. Vẫn chỉ là hai tảng đá lồi lõm xù xì, chẳng có gì đặc biệt, vậy mà anh cứ soi đi soi lại mãi khiến chàng trai đứng cạnh phải bật cười. Không lẽ ông nhà báo này định đặc tả hai hòn đá?
Loanh quanh một lát, hai người quay ra chỗ cửa hang. Nguyễn hỏi chàng trai từ hôm ra trực, có thấy ai trong đoàn khảo cổ quay lại đây không. Cậu ta lắc đầu. Nguyễn trao đổi với cậu ta số máy di động, dặn rằng nếu có ai đến hang này định tìm kiếm vật gì thì gọi ngay cho chú. Sau đó anh quay xuống chỗ Linh. Cô hỏi giờ anh còn định đi đâu nữa. Nguyễn khoát tay cười:
- Đi picnic!
- Anh định đi picnic ở đâu nào?
- Tùy em. Đâu cũng được.
- Hay là ra đảo Không Tên?
Linh cười trêu Nguyễn. Anh cũng mỉm cười, đáp rằng cái này chắc chỉ có trong tưởng tượng. Tốt nhất là bây giờ ta đến một hòn đảo gần đây, ở đó người ta vừa dựng lên một nhà hàng, chuyên phục vụ khách tham quan bằng những món ăn đặc sản. Ngồi trên đó vừa ngắm cảnh vừa thưởng thức các món ăn tươi của biển thì tuyệt lắm. Linh gật đầu đồng ý. Cô với tay kéo cần máy một cách thuần thục. Tiếng máy nổ giòn. Chiếc xuồng quay mũi lao đi. Nguyễn ngồi phía sau lặng ngắm Linh. Mũ Kepi trắng, quần sooc trắng, đôi giầy thể thao cũng trắng bong, như một vận động viên thực thụ. Mỗi khúc ngoặt là một lần Linh được dịp trổ tài. Cô nghiêng người rất điệu, cho xuồng lượn bên mép đảo, lách qua các khe trống giữa hòn này với hòn kia một cách cực kì thiện nghệ, để lại sau lưng một vệt sáng ngoằn ngoèo. Một lần nữa, Nguyễn lại nhận thấy hai cô Linh, trong sách và ngoài đời, giống nhau như hệt. Giờ mà tự dưng bắt gặp cái cồn đá ấy thì...
Chợt linh cho xuồng đi chậm lại, gần như dừng hẳn.
- Có chuyện gì thế?
- Từ từ để em xem. Hình như không phải lối này.
Hai người đưa mắt nhìn quanh. Bốn bề đảo đá vây kín mít, tưởng đâu lọt vào một mê cung bí hiểm.
- Anh chị lạc đường à?
Một người đàn ông không biết từ đâu xuất hiện, đứng trên vách đảo.Nhìn ông ta Nguyễn giật mình sửng sốt, đến nỗi khắp người nổi gai lên. Ông ta giống hệt gã "thầy bói hiện đại" mà anh gặp trong giấc mơ hôm nọ, nhất là bộ đồ hộp vận trên người. Mũ phớt, comple, calvat, những thứ mùa này không ai mặc.
- Chào anh! - Không rời mắt khỏi ông ta, Nguyễn cất tiếng chào và dè dặt hỏi
- Nếu tôi đoán không nhầm thì anh là nhà khảo cổ?
- Đúng vậy! Tôi chuyên đi tìm hiểu về các hang động ở vùng này.
Nguyễn và Linh đưa mắt cho nhau. Lại hỏi:
- Nghề khảo cổ chắc rất nhiều thú vị?
- Vâng, rất nhiều điều thú vị.
- Và anh sẽ thường xuyên ghi Nhật ký?
- Vâng, phải ghi Nhật ký thường xuyên.
Nguyễn và Linh lại đưa mắt cho nhau. Lại hỏi:
- Vậy có bao giờ anh để quên Nhật ký của mình không?
- Không bao giờ! Nhật ký khảo cổ mà quên thì chết.
- Ồ không! Tôi muốn hỏi về Nhật ký cá nhân kia, loại Nhật ký viết về đời tư ấy?
- Nhật ký đời tư à? Cái đó dành cho cánh thanh niên. Họ còn lãng mạn, nhiều mơ tưởng, còn tôi thì... Với lại dân khảo cổ chúng tôi sống đơn giản lắm, quanh năm ngày tháng chỉ lầm lũi đi tìm lại ngày xưa, có tâm sự gì đâu mà phải ghi Nhật ký!
Nguyễn và Linh lại đưa mắt cho nhau. Lại hỏi:
- Anh đi nhiều như vậy, có biết đảo Không Tên ở chỗ nào không?
Nhà khảo cổ gật đầu, chỉ tay vào một ngách con giữa hai hòn đảo :
-Nó ở đằng kia. Anh chị cứ theo lối đó mà đi, lúc nào thấy hiện ra một cái hồ thì chính là nó đấy!
Nguyễn mừng suýt reo lên, nhưng kìm lại được. Anh cám ơn nhà khảo cổ, khẽ bảo Linh lái xuồng về phía đó. Quả nhiên như vậy, sau khi rẽ qua cái ngách con mà ông ta vừa chỉ, chiếc xuồng thoát ra một quãng biển khá rộng dài và chỉ mươi phút sau đảo Không Tên đã hiện ra trước mắt, giữa vùng non nước mênh mông. Gần đó có bãi tắm tự nhiên rất đẹp, được bao bọc bằng nhiều đảo đá nối tiếp nhau như bức tường thành, tạo nên một cái hồ khá rộng. Chỉ khác là cái cồn đá giữa hồ, được mô tả như một đài hoa, trên đó có thảm cỏ xanh tươi tốt cả bốn mùa, thì không có. Linh cho thuyền lượn qua lượn lại mấy vòng nhưng tuyệt nhiên chẳng thấy đâu, không biết nó nằm ở chỗ nào.- Anh chị tìm gì vậy?
Tiếng nhà khảo cổ lại vang lên. Nguyễn và Linh giật mình, ngoảnh lại đã thấy ông ta đứng trên vách đảo ngay gần đó. Linh hoảng quá, vội cho xuồng dừng lại, còn Nguyễn thì bình thản thản như thường. Không hiểu sao anh có cảm giác ông ta gần gũi với mình như một người thân, một người bạn tốt. Anh gật đầu chào và hỏi ông ta :
- Theo chỗ tôi biết thì ở đây còn có một cồn đá nằm ở giữa hồ, phải không anh
- Đúng vậy!
- Sao không thấy nhỉ?
- Nó bị người ta phá mất rồi.
- Ai phá kia, mà sao lại phá?
- Đó là cả một câu chuyện dài, tôi chỉ xin tóm tắt mấy lời để anh chị biết. Cách đây lâu lắm rồi, từ trước thời ta chống giặc Nguyên Mông cơ, trên hồ này đã từng có cái cồn đá ấy, gọi là hòn Đài Hoa, vì thế dân làng cũng gọi hòn đảo mình đang sống bằng cái tên như vậy.Nhưng rồi có một chuyện xảy ra khiến nó không tồn tại nữa. Trên làng đảo kia có một cô gái cực kì xinh đẹp. Nàng yêu một chàng trai đánh cá nhưng cha mẹ nàng không thuận vì muốn gả nàng cho con trai ông chúa đảo. Cô gái thà chết chứ không chịu nghe theo. Đúng vào đêm cưới, nàng cùng người yêu bí mật trốn ra cồn đá giữa hồ, trong làng hai họ truy tìm suốt đêm không được, mãi sau mới phát hiện ra hai người ở trên cồn đá, và dĩ nhiên họ đã thành thân. Điều đó khiến cha con ông chúa đảo vô cùng tức giận, lập tức cho quân lính bủa vây bắt bằng được hai người. Một trận chiến nổ ra vô cùng ác liệt. Rút cục cô gái và chàng trai đều bị trúng tên chết cả. Nhưng ông chúa đảo vẫn chưa nguôi giận, ông ta cho lính vào đất liền chở ra hàng thùng thuốc nổ, phá tan cồn đá. Từ đó hòn Đài Hoa biến mất. Đài Hoa mất thì tên làng cũng mất, người ta liền gọi đảo này là đảo Không Tên.
- Lạ nhỉ? Thế còn...
Nguyễn định hỏi thêm điều gì đó nhưng ngẩng lên thì nhà khảo cổ đã biến đi đằng nào mất. Một vệt nắng chiếu thẳng vào chỗ ông ta đứng. Vách đá phảng lì, phản quang như một tấm gương.
Linh khẽ thốt lên :
-Cái ông này! Sao cứ như ma ấy nhỉ?
-Nguyễn nhìn đồng hồ:
- Mới có mười giờ kém. Em chịu khó giúp anh chút nữa được không? Anh muốn lên đảo Không Tên xem nó thế nào.
Linh nghe theo, hướng mũi thuyền lên đảo. Một lát sau Nguyễn đã có mặt trên trảng cát. Càng đến gần anh càng thấy lạ. Không thấy xóm chài đâu, trước mắt anh là một rừng thông bạt ngàn, nối tiếp nhau trùng điệp, ngoài ra tất cả đều vắng lặng, không có lấy một ngôi nhà. Lên tới đỉnh đèo mới thấy từ bãi biển bên kia xuất hiện một đám đông. Nguyễn lại gần, nhận ra đó là một đám thanh niên, có đến năm sáu chục em, đang xúm quanh một chiếc tàu mắc cạn từ lâu lắm, Thân tàu đã han gỉ hết, nửa sau lún sâu trong cát, chỉ còn mỗi cái mũi tàu ngỏng lên trời. Con tàu hỏng không làm Nguyễn ngạc nhiên, thi thoảng đi biển anh vẫn gặp. Điều anh chú ý hơn là bọn trẻ, xem ra chúng đến từ nhiều nước trên thế giới, đủ các màu da, các kiểu áo quần, làm sáng cả một vùng biển đảo. Thoáng thấy anh, một cô bé reo lên:
- Cháu chào chú nhà báo ạ!
Nguyễn để ý nhìn, nhận ra đó là một cháu gái ở gần nhà anh, hiện đang học trường gì đó ở nước ngoài.
- Chào cháu! Nghe nói cháu đi học nước ngoài kia mà, sao lại về đây?
- Vâng, cháu đang học ở trường Havard, hè này được đi dự Festival Quốc Tế, sau đó được cử đưa các bạn về đây, tham quan vịnh ít ngày chú ạ!
- Tham quan vịnh thì phải vào các hang động chứ, sao lại đưa các bạn đến xem chiếc tàu hỏng làm gì?
Cô bé cười như nắc nẻ
-Hang động chúng cháu vào xem rồi, xem cả rồi. Chỗ này chúng cháu chỉ tình cờ rẽ qua thôi. Với lại nghe chị hướng dẫn viên du lịch nói con tàu này là một chứng nhân lịch sử nên khi về đến đây, chúng cháu mới đề nghị rẽ vào xem đấy chứ!
-Nguyễn gật đầu, vui vẻ nhìn bọn trẻ. Những gương mặt tươi sáng thông minh, tràn đầy sức sống, trong đó có một cô bé tóc vàng, vài cậu bé tóc xoăn, rõ là người Âu, Mỹ nhưng lại nói tiếng Việt rất cừ. Thấy Nguyễn chăm chú nhìn đám bạn mình, cô bé ở gần nhà anh liền giải thích:
- Đây là các bạn học cùng trường với cháu. Bạn này là Linh Chi, bố bạn ấy là người Nga, mẹ là người Việt. Bạn này thì bố là người Việt, mẹ là người Pháp. Bạn này là người Mỹ gốc Việt. Còn bạn này...
Một cái gì như cơn sóng bất ngờ trào lên trong Nguyễn khiến tim anh đập mạnh. Anh toan lại gần cô bé Linh Chi hỏi chuyện, chợt có tiếng còi tập hợp vang lên. Lũ trẻ ríu rít chào anh rồi chạy ào đi như một đàn chim để rồi ngay sau đó, khi chúng tụ tập ngoài cửa bến, nơi có chiếc ca nô chở khách tham quan đang chuẩn bị quay đầu, lại biến thành một vườn hoa rực rỡ. Chúng là hiện thân của tương lai nhưng đồng thời là hình ảnh của quá khứ. Nhìn chúng, trong đầu Nguyễn liên tiếp hiện ra những gương mặt, những cảnh đời, những số phận cùng những nỗi niềm ẩn giấu từ bao tháng năm qua, như những gì anh nhận biết từ cuốn sổ tay nhặt được tại một di chỉ khảo cổ. Phải chăng cái vườn hoa tuyệt đẹp kia, vốn được ươm trồng từ những khổ đau mất mát, chính là hình ảnh thu nhỏ của "ngôi nhà chung thế giới", điều mà, như người ta nói, tất yếu diễn ra trong lộ trình nhân loại.? Liệu rằng nó có diễn ra không, có diễn ra không, có diễn ra không hay chỉ là mơ ước hay tệ hơn, chỉ là một trò bịp bợm của con người? Phải rồi, hãy học cách hoài nghi như Maxk, để không phải hối về sau...
Nguyễn quay đầu nhìn lại con tàu mắc cạn. Không biết nó nằm ở đây tự bao giờ và vì sao lại nằm đây? Có vô vàn nguyên nhân dẫn đến sự kiện này. Dù sao nó vẫn là một chứng nhân lịch sử, một lời cảnh báo lặng câm cho những cuộc hành trình sai lệch không chỉ của hôm qua...Lòng rưng rưng một niềm cảm khái, Nguyễn giơ tay chào con tàu hỏng rồi lặng lẽ quay về bãi biển bên kia, chỗ Linh đang neo xuồng ngồi đợi. Nhưng lúc nhô ra khỏi rừng thông, anh hết sức ngạc nhiên vì chẳng thấy Linh đâu nữa. Cô ấy đi đâu nhỉ? Lại mang theo cả cái túi xách tay, trong đó có cuốn Nhật ký của mình nữa chứ! Nguyễn đưa mắt nhìn quanh, bốn bề vắng lặng, không bóng một con thuyền. Chỉ có tiếng sóng đang ào ạt xô bờ. Và biển xanh, mây trắng...
Nguyễn ngẩn ngơ nhìn trời nhìn biển, ngỡ như mình đang sống trong mơ. Hay tất cả chỉ là một giấc mơ? Tất cả những gì mình đã gặp trong mấy ngày qua, cả trong mơ lẫn ngoài đời, cả cuốn Nhật ký tình cờ nhặt được để tạo nên tác phẩm. Tất cả... Chỉ là ảo vọng mà thôi?

Alert webmaster - Báo webmaster bài viết vi phạm nội quy
|