rosel
member
ID 17833
12/11/2006
|
Miền Trung: Đã có người chết vì bão sô 10
Chiều 10/12, 1 ngư dân Bình Định thiệt mạng do lén lút vượt biển đánh cá. Các lao động khác, từ nhiều địa phương đang được hướng dẫn vào bờ hoặc tìm nơi trú ẩn an toàn.
Bình Định: 1 tàu chìm, 1 ngư dân thiệt mạng
Theo báo cáo nhanh của Sở Thủy sản Bình Định tại cuộc họp do Ban chỉ huy PCLB tỉnh tổ chức chiều nay (11/12), đến chiều 11/12, còn 48 tàu thuyền đang hoạt động tại vùng biển nguy hiểm ở khu vực đảo Trường Sa. Hiện đã liên lạc được với tàu BĐ 2024 bị chết máy trên đường trú bão và đã được kéo vào đảo Trường Sa.
Ngoài ra, tàu đánh cá BĐ 1665 của huyện Hoài Nhơn trên đường vào trú bão đã bị sóng lớn đánh chìm tại vùng biển Lộ Diu. Đồn BP 312 đã tổ chức lực lượng ứng cứu 7 ngư dân vào bờ.
Trước đó, chiều 10/12, đã có 1 ngư dân bị chết do lén lút vượt biển đi khai thác tại khu vực bãi ngang biển Đề Ghi.
Tại cuộc họp, Ban chỉ huy PCLB Bình Định tiếp tục yêu cầu các ban ngành, chính quyền địa phương nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi, sơ tán người và tài sản lên bờ, không cho ngư dân trên các chòi canh giữ thủy sản, chằng chống, gia cố nhà cửa, bệnh viện, công sở, trường học. Chủ động sơ tán người, tài sản ra khỏi các vùng có nguy cơ bị triều cường và lũ quét, sơ tán dân ở các vùng thấp trũng ven biển vào đất liền.
Theo hạn định được Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng Ban chỉ huy PCLB Bình Định, ông Vũ Hoàng Hà đưa ra, việc sơ tán dân phải hoàn thành trước 12h ngày 13/12. Ông Hà lưu ý các ngành chức năng tổ chức lực lượng xung kích tuần tra bảo vệ, chuẩn bị nhân lực, phương tiện, thuốc men, hàng hóa thiết yếu và huy động cả xe bọc thép làm nhiệm vụ cứu nạn, cứu trợ nhân dân vùng thiên tai.
Hiện UBND TP Quy Nhơn đã chỉ đạo Trung tâm Y tế thành lập các tổ y tế lưu động (3 người/tổ) đến trực tại xã đảo Nhơn Châu, đề phòng các trường hợp bị tai nạn trong bão, sinh đẻ, đau ruột thừa... Đồng thời, TP cũng chi viện kịp thời 10 tấn gạo cùng hàng ngàn bao cát chằng chống nhà cửa cho bà con xã đảo để đảm bảo lương thực và an toàn cho 2.600 dân trên đảo trong những ngày chống chọi với bão số 10.
Quảng Nam: Hoãn họp HĐND để phòng chống bão
Trong khi HĐND TP Đà Nẵng vẫn tiến hành kỳ họp thứ 8 theo tinh thần “vừa họp, vừa chống bão” thì tin từ Văn phòng HĐND tỉnh Quảng Nam cho biết, do tập trung cán bộ cho việc chỉ đạo phòng tránh bão số 10, kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh khoá VII dự kiến khai mạc vào ngày mai 12/12 sẽ dời lại đến ngày 18/12.
8h sáng nay 11/12, UBND tỉnh Quảng Nam đã tổ chức họp triển khai phòng chống bão số 10, trong đó hết sức lưu ý khả năng xảy ra lũ và lũ quét kèm theo bão số 10. Trước đó mấy ngày, do ảnh hưởng bão số 9, mực nước nhiều sông ở Quảng Nam đã lên báo động III, hầu hết các hồ chứa đều no nước. Khi nước trên các sông vừa xuống báo động 1 thì bão số 10 mang theo mưa ập đến. Từ các ngày 9 - 11/12 nhiều nơi tiếp tục có mưa to, có nơi lên đến 150 mm. Mực nước các sông đến trưa 11/12 đã lên lại báo động 1.
Được biết, đến 17h ngày 11/12, tất cả các tàu thuyền của Quảng Nam và đang hoạt động trên địa bàn Quảng Nam đều đã vào nơi trú ẩn an toàn. Lúc 11h, Đồn Biên phòng 276 (Hội An) đã phải vận động kèm theo cưỡng chế, buộc 5 tàu vận tải vãng lai đang ở khu vực biển Cù Lao Chàm phải vào nơi trú ẩn. Trước đó, Đồn BP 276 đã phải vận động ráo riết để 28 tàu vận tải ở khu vực này chuyển đến nơi an toàn. Từ đêm 9/12 đến nay, Đồn BP này cũng liên tục tổ chức bắn pháo hiệu để kêu gọi các tàu vào bờ.
Quảng Ngãi: Còn 6 tàu thuyền ở Hoàng Sa
Theo Ban chỉ huy PCLB Quảng Ngãi, đến sáng nay (11/12), toàn tỉnh còn 11 tàu thuyền với trên 152 ngư dân đang đánh bắt ở vùng biển nguy hiểm. Ban chỉ huy PCLB đã liên tục kêu gọi, hướng dẫn các tàu thuyền này tìm nơi trú bão an toàn. Tuy nhiên vẫn còn 6 tàu thuyền đang trú bão ở khu vực quần đảo Hoàng Sa. Ở hai bãi ngang Tịnh Kỳ và Phước Thiện, còn 61 tàu thuyền dân neo đậu dù đã được kêu gọi tìm nơi trú bão an toàn.
Tại cuộc họp triển khai công tác phòng chống bão số 10 diễn ra sáng cùng ngày, ngoài việc nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng Ban chỉ huy PCLB Quảng Ngãi Trương Ngọc Nhi chỉ đạo tiếp tục kêu gọi 6 tàu thuyền đang trú bão tại quần đảo Hoàng Sa vào đất liền. Đến cuối ngày 12/12, nếu các tàu này vẫn chưa vào bờ thì đề nghị Bộ Ngoại giao có công hàm xin cho vào trú bão tại nơi an toàn trên lãnh thổ Trung Quốc.
Với 61 tàu thuyền đang neo đậu tại các bãi ngang Tịnh Kỳ và Phước Thiện, ông yêu cầu lãnh đạo hai huyện Sơn Tịnh và Bình Sơn phải chịu trách nhiệm kêu gọi vào bờ, kể cả dùng biện pháp cưỡng chế. Tổ chức trực ban 24/24 giờ để theo dõi, chủ động tham mưu đề xuất xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra.
Với các công trình đang thi công, nhất là tại Khu kinh tế Dung Quất và khu vực ven biển, ông Trương Ngọc Nhi chỉ đạo đôn đốc các nhà thầu khẩn trương có phương án sắp xếp tránh bão an toàn, di dời cán bộ, công nhân vào nơi an toàn khi bão đổ bộ. Ông cũng chỉ đạo có phương án di dời dân hợp lý, ưu tiên phương án không di dời dân tập trung đến các địa điểm công cộng mà di dời tại chỗ đến những nơi kiên cố, kết hợp chằng chống nhà cửa, trụ sở làm việc và có biện pháp bảo vệ tài sản của dân.
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Xuân Huế đã nghiêm khắc phê bình lãnh đạo các địa phương, đơn vị chưa tổ chức trực báo phòng chống bão số 10 như Lý Sơn, Nghĩa Hành, Ba Tơ... Sau buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức 5 đoàn công tác trực tiếp kiểm tra việc phòng chống bão số 10 tại các địa phương và thành lập 4 sở chỉ huy tiền phương để phòng, chống cơn bão này.
Phú Yên: Bắn pháo hiệu báo bão 3 lần/ngày
Thượng tá Nguyễn Văn Minh - tham mưu trưởng tác chiến Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh Phú Yên cho biết: Lực lượng biên phòng đã chỉ đạo đồn biên phòng 348 và Hải đội 2 bắn pháo hiệu báo bão xa ngày 3 lần/27viên. Đã gọi đựơc 550 phương tiện/2750 lao động tìm nơi tránh bão.
Theo thống kê của các đồn Biên phòng, đến 14h cùng ngày, đã có 4.694 phương tiện nghề cá hoạt động gần bờ và neo đậu tại các bến bãi trong tỉnh. Kinh nghiệm từ những lần trước khi bão đến gần thì các tàu thuyền mới xô nhau neo đậu, lần này ngay từ bây giờ các đồn biên phòng, các địa phương cần vận động người dân chủ động đưa tàu thuyền về nơi tránh bão an toàn; neo đậu giữ khoản cách để tránh va đập.
Có một thực tế khó khăn là hiện nay các cửa sông cửa biển, các luồng lạch ở Phú Yên như cửa Lễ Thịnh, An Ninh Đông huyện Tuy An, cửa Đà Rằng, bến Đông Tác TP Tuy Hoà, cửa Đà Diễn huyện Đông Hoà rất cạn và hẹp nên khi khẩn cấp các tàu thuyền dễ bị tai nạn khi vào tránh trú. Ngay như việc phòng tránh cơn bão số 9 vừa qua đã có ít nhất 10 tàu bị mắc cạn, bị chìm dẫn đến chết người trong khi cơn bão không thực sự ảnh hưởng đến Phú Yên.
Đến cuối ngày 11/12 lực lực lượng biên phòng tỉnh đã liên lạc đựơc với 151 phương tiện/1.052 lao động đang hoạt động ở các tỉnh Khánh Hoà, Vũng Tàu, Cà Mau. Các phương tiện này vẫn thường xuyên liên lạc về địa phương và gia đình.
Phương án sơ tán dân cũng đã được xây dựng cụ thể, thực hiện bước đầu. Tại cuộc họp khẩn 14h chiều 11/12 ông Nguyễn Bá Lộc- Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, Trưởng Ban PCLB - TKCN tỉnh chỉ đạo các địa phương đơn vị kiểm tra lập danh sách số hộ, số khẩu, đặc biệt là người già, trẻ em, phụ nữ có thai, gia đình chính sách để chuẩn bị sơ tán khi có lệnh. Kiểm tra tất cả các tuyến đò ngang, đò dọc đang vận chuyển hành khách qua sông, đầm, vịnh. Chỉ cho phép hoạt động đối với những phương tiện đủ điều kiện và dừng ngay hoạt động khi bão đến.
Trước đó, UBND tỉnh Phú Yên đã liên tục có các công điện khẩn gửi tất cả các địa phương, đơn vị, yêu cầu thông báo cho tất cả ngư dân trên các tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết hướng di chuyển của bão để có kế hoạch phòng tránh thoát ra khỏi vùng nguy hiểm; đồng thời tìm mọi cách kêu gọi số tàu thuyền đó di chuyển vào nơi tránh trú bão an toàn.
UBND tỉnh cùng yêu cầu các địa phương báo cáo thường xuyên về vị trí, số tàu thuyền lao động đang hoạt động trên biển. Không cho ngư dân đưa tàu thuyền ra biển hoạt động với bất cứ hình thức nào, đặc biệt là hoạt động khai thác tôm hùm giống.
UBND tỉnh Phú Yên lưu ý thủ trưởng các cơ quan đơn vị, chủ tịch UBND các huyện, TP tuyệt đối không chủ quan, nhất là trong việc triển khai các biện pháp cấp bách để phòng tránh bão.
Thừa Thiên Huế: Đưa 160 ngư dân vào bờ an toàn
Ngay sau khi bão hình thành ngoài biển Đông, Ban chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế đã gấp rút triển khai mọi biện pháp đối phó như: Chỉ đạo Bộ đội biên phòng, Sở Thuỷ sản, các huyện vùng đầm phá kêu gọi ngư dân đang hoạt động đánh bắt trên biển theo dõi chặt chẽ hướng đi của bão, hướng dẫn ngư dân di chuyển ra khỏi vùng ảnh hưởng của bão. Kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động ngoài khơi vào nơi trú ẩn an toàn.
Tính đến 7h sáng ngày 11/12, Thừa Thiên Huế đã kêu gọi 25 phương tiện với 160 lao động của tỉnh vào bờ an toàn. Ngoài ra, còn có 18 phương tiện với 90 lao động đánh bắt của các tỉnh khác vào trú bão số 9 đến nay vẫn lưu trú ở Thuận An (3 phương tiện Quảng Bình với 58 lao động, 7 phương tiện Bình Định với 22 lao động, 1 phương tiện Quảng Ngãi với 4 lao động và 2 phương tiện của Đà Nẵng với 6 lao động).
Alert webmaster - Báo webmaster bài viết vi phạm nội quy
|