thanhtieulam
member
ID 30472
10/03/2007
|
Bão cấp 12 đổ bộ, hàng trăm ngôi nhà bị hư hỏng
19h tối 3/10, bão số 5 đã tăng lên cấp 12, đổ bộ vào Hà Tĩnh - Quảng Bình, đánh chìm, phá hủy hàng chục tàu thuyền. Một số tuyến đê ven biển đã bị vỡ. Ít nhất có 3 người chết và mất tích, nhiều người bị thương trong mưa bão.
> Hà Tĩnh - Quảng Bình sẽ hứng tâm bão/ Hình ảnh người dân trong vùng bão/ Gần 300.000 dân phải sơ tán trước 12h trưa
Ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc TT Dự báo Khí tượng Thủy Văn TƯ cho biết, đến 19h, tâm bão đi vào giữa đèo Ngang và tăng lên cấp 11-12. Huyện Kỳ Anh đo được gió cấp 11, giật cấp 13. Sau khi vào bờ, bão di chuyển theo hướng Tây được 15 km/giờ, đi qua đất liền, sáng 4/10 sang Lào, suy yếu thành áp thấp.
"Chưa gặp cơn bão nào khi chỉ cách bờ vài chục km vẫn còn tăng cấp", ông Tăng nhận định. Dự báo, tại Kỳ Anh, Hà Tĩnh, tối và đêm nay có gió cấp 12 giật cấp 14. Từ Quảng Bình - Thanh Hóa, đêm nay mưa rất to kèm gió mạnh. Sáng sớm mai vùng Tây Bắc có mưa.
19h, cơn bão số 5 đã đổ bộ vào huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) và huyện Quảng Trạch (Quảng Bình).
Hiện, hơn 60 người, 13 tàu cá và 2 phương tiện vận tải bị nạn. Tại Quảng Bình 1 người dân thiệt mạng vì mưa bão. Nạn nhân là anh Nguyễn Thái Dĩnh, 36 tuổi, nhà ở xã Vĩnh Chấp, huyện Vĩnh Linh. Tại Tiền Hải, Thái Bình, 1 ngư dân từ chòi canh vào bờ gặp sóng lớn, lật xuồng mất tích. Tại Cà Mau 1 người dân cũng được ghi nhận mất tích chưa rõ nguyên nhân.
Đê vỡ, nhiều người bị thương
Tại tỉnh Nghệ An, gió bão mạnh cấp 6 kèm mưa rất to. Các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc và thị xã Cửa Lò hứng chịu mưa bão từ lúc 16h chiều. Ông Nguyễn Thọ Cảnh, giám đốc Sở NN-PTNT cho hay, vụ đông của tỉnh đã bị tổn thất nặng, nhất là các diện tích trồng lạc và ngô. Hiện, tỉnh đã huy động lực lượng tại chỗ ứng cứu các địa phương chịu ảnh hưởng nặng và chuẩn bị phương án phòng chống lũ ống, lũ quét sau bão.
Tại thị trấn Kỳ Anh, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh), điện đã bị cắt, toàn thị trấn chìm trong gió lốc và mưa to. Cộng tác viên VnExpress tại đây cho biết, sau một giờ bị tàn phá, 20h, hàng trăm ngôi nhà đã bị tốc mái, bay ngổn ngang xuống đường. Một số người dân địa phương đã bị tôn bay, đè bị thương.
Một số khách sạn cao tầng ở thị trấn Kỳ Anh, cửa sổ cũng bị đập vỡ, nước tràn vào nhà. Gió táp rát mặt khiến người dân không dám ra đường, trừ các xe cứu hộ.
Ông Trần Minh Kỳ, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết, hiện ở Kỳ Anh gió bão mạnh cấp 11, giật trên cấp 11, hệ thống điện lưới bị cắt, đường dây điện thoại cố định mất liên lạc. Việc chỉ đạo chống bão của Ủy ban phòng chống lụt bão tỉnh chỉ còn được thực hiện bằng điện thoại di động.
Nước biển dâng cao do gió bão kết hợp với triều cường khiến các tuyến đê Cẩm Lĩnh (Cẩm Xuyên), Hội Thống (Nghi Xuân), Kỳ Hà (Kỳ Anh) và Tả Nghèn (Lộc Hà) ở Hà Tĩnh bị uy hiếp. Ông Kỳ cho biết, do một số tuyến đê trong toàn tỉnh do được đắp từ cách đây vài chục năm, khi triều cường lên, nước tràn là điều đương nhiên.
Hiện Hà Tĩnh huy động 400 bộ đội tới các khu vực này ứng cứu bằng cách thả rọ đá, phủ bạt. 10.000 m2 vải bạt cùng 10.000 bao tải đã được cấp cho các huyện Lộc Hà, Kỳ Anh và Cẩm Xuyên.
Theo Tuổi Trẻ, tuyến đê chắn sóng ven biển xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên đã bị vỡ. Các tuyến đê xung yếu thuộc xã Hộ Đỗ, xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà và đoạn đê Hội Thống xã Xuân An, huyện Nghi Xuân cũng đã bị vỡ nhiều đoạn.
Gần 19h, tại khu vực neo đậu tránh trú bão xã Thanh Thạch, Bố Trạch, Quảng Bình, nhiều tàu cá bị gió cấp 10-11 đánh chìm và 3 tàu cá bị đánh bật lên bờ, vỡ hỏng hoàn toàn. Đại tá Phan Văn Quang, Trưởng phòng cứu hộ cứu nạn, Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho rằng tại đây có thể có người.
Tại huyện Quảng Trạch (Quảng Bình), gió bão mạnh cấp 10, giật cấp 11. Một số ngôi nhà ở xã Quảng Đông, Quảng Trạch đã bị tốc mái. Hiện 10.000 dân ở các xã ven biển đã được di dời, toàn bộ 1.941 tàu của tỉnh Quảng Bình đã vào neo đậu ở bờ. Tuy nhiên, có 8 tàu của tỉnh bạn còn đang mắc kẹt ở cảng đảo Hòn La.
Theo ông Trần Công Thuật, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, các huyện Lệ Thủy và Minh Hóa có mưa rất to. 170 chiến sĩ công an, bộ đội đã được huy động về các địa phương phối hợp với lực lượng tại chỗ để ứng cứu người dân. Một tiểu đoàn bộ đội cũng đang trong tình trạng sẵn sàng.
Tuy không nằm ở tâm bão nhưng ở Quảng Trị có mưa rất to. Ông Lê Hữu Phúc, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, các huyện ven biển Hải Lăng, Triệu Phong, Gio Linh và Vĩnh Linh đã bị ngập lụt. Đặc biệt, khoảng 1km đê tại khu du lịch Cửa Tùng đã bị vỡ, sóng đánh sâu vào tận tuyến đường cơ động ven biển.
Toàn bộ khu bãi tắm Cửa Tùng đã bị đào sâu xuống. Một số nơi ở huyện Hải Lăng đã nằm sâu từ 3-4m dưới mực nước. Rất may, các tuyến đê xung yếu khác như tuyến Nam Thạch Hãn vẫn đang giữ được.
13 nhà ở Quảng Trị (1 nhà văn hóa, 2 nhà mẫu giáo, 7 nhà dân...) bị tốc mái. Kè chắn sóng ở tây bắc âu đảo Cồn Cỏ bị sóng đánh vỡ khoảng 10 mét.
Đường Hồ Chí Minh đoạn A Bunh đi Hồng Thủy (Thừa Thiên - Huế) bị sạt lở lấp đường, không lưu thông được, đường từ A Vao đi Pa Lin bị sạt lở 2 đoạn... Thôn Long Hà, thị trấn Cửa Việt bị ngập nước không đi lại được.
Chiều 3/10, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã tới tâm bão Quảng Bình. Sở chỉ huy tiền phương chỉ đạo phòng chống bão được lập tại huyện Bố Trạch. Phó thủ tướng nhấn mạnh, cần tổ chức lực lượng ứng cứu tại chỗ, cử người canh gác các bến đò, kiên quyết không để một người dân nào bị chết do bão số 5.
Alert webmaster - Báo webmaster bài viết vi phạm nội quy
|
|
ototot
member
REF: 228707
10/03/2007
|
Vùng bờ biển Việt Nam, nhất là từ Hà Tĩnh trở lên Thanh Hoá, không năm nào là không có bão, hàng ngàn nhà cưả tan nát, hàng trăm ngàn người di tản, chưa kể số người thiệt mạng, mất tích, số tàu thuyền bị chìm...
Tôi nghĩ người dân nghèo mình quả là có sức chịu đựng phi thường, chứ ở những nước đã mở mang, ngoại trừ những thiên tai quá lớn, chuyện bão cấp 12, với tốc độ gió khoảng 100km/giờ, xét ra cũng không có gì là ghê gớm cả.
Thành phố tôi ở, nằm trong một thung lũng, gió giật có thể đến bất cứ lúc nào, ở tốc độ 100km/giờ đến 120km/giờ, hay cao hơn nưã, có khi mỗi tháng vài ba lần, cũng là chuyện thường!
Thì ra, ở những nước giàu, xã hội nó tổ chức chu đáo hơn, nhà cưả vững chắc hơn, tiêu chuẩn xây dựng cao hơn, thì sinh mạng người dân được bảo vệ tốt hơn.
Ở nhiều vùng thường xuyên bị động đất, như ở Nhật, mọi nhà cưả đều được thiết kế để chịu đựng động đất mạnh mà dân khó bị thương vong...
Ai cũng biết vậy, nhưng làm sao giải quyết được khi đất nước còn nghèo, và mọi nỗ lực còn dồn vào các thành phố lớn, nên dân nghèo vẫn còn chịu nhiều thiệt thòi quá!
Chỉ còn biết mong cho một ngày mai...
Thân ái chia xẻ những ưu tư cuả những người như thanhtieulam.
|
1
|
Kí hiệu:
:
trang cá nhân :chủ
để đã đăng
:
gởi thư
:
thay đổi bài
:ý kiến |
|
|
|
|