kieuanhhuong
member
ID 60457
05/04/2010
|
GẶP LẠI TUỔI 20 - THƠ KIỀU ANH HƯƠNG (tiếp theo và hết !)
(TIẾP THEO)
47.NHỠ HẸN
Anh đến
Bất ngờ
Không gặp !
Cái buồn
Dọc theo
Đường về.
Bấm ngón tay,
Tính ngày tháng
Chợt hiểu rằng :
- Mười ngón còn...
So le !
Hà nội 10-1979
Kiều Anh Hương
Alert webmaster - Báo webmaster bài viết vi phạm nội quy
|
|
kieuanhhuong
member
REF: 537874
05/05/2010
|
48. TẢN MẠN HUẾ, NGÀY GẶP LẠI !
Thân tặng nữ ytá Bích, Lương
Bệnh viên 217-Trường Sơn-Anh hùng
Có một khoảng trời
trong mắt Huế tôi thương
Mười bốn năm rồi,
Bây giờ gặp lại
Ơi cô gái của miền Kinh Bắc
Ngọn gió nào đưa em về đây.
Nơi Cố Đô yêu, ta lại cầm tay
Nhưng không phải để âu lo, thao thức
Chiến thắng rồi, thôi em đừng khóc
Nhắc chi hoài chuyện cũ, năm xưa..
Gió A-Sầu và nắng sông Hương,
Làm nước da em bây giờ xạm lại
Nhưng ánh mắt biếc xanh thì mãi mãi
Không bao giờ phai nhạt trong anh !
Tuổi hai mươi cho ta gặp nhau
Giữa chiến trường một thời tàn khốc
Anh đã vượt qua tử thần,
Khi sự sống chỉ như còn
"Ngàn cân treo sợi tóc..."
Cũng bởi vì máu thắm tình Em !
Thương Huế rồi, nay anh càng yêu hơn !
Đèo 40 Trường Sơn 1974
Huế - 1988
Kiều Anh Hương
|
|
kieuanhhuong
member
REF: 538137
05/06/2010
|
49. KỶ NIỆM 10 NĂM VỀ TRƯỚC
Kính tặng Trường ĐHBK Hà Nội 25 tuổi
Mười năm trước , anh đã đến với trường
Ươm một chồi non dọc con đường đôi ấy
Bom giặc Mỹ rơi vào lòng Hà Nội
Những mầm non nương nhau vươn lên
Không còn ai có thể ngồi yên
Cả nước dồn ra tuyến lửa
Trời Lạng Sơn, những ngày sơ tán
Đốt cháy lòng bao cuộc tiến đưa..
Mười năm anh đi, cây đã lên xanh
Dưới bóng mát hàng cây, bao lớp người tuổi trẻ
Qua con đường đôi - bước lên bục giảng
Say sưa nói về tương lại ...
Bây giờ anh trở về đây,
Bên những giảng đường cao lộng gió
Có những phòng học đơn sơ vừa dựng vội
Vữa vôi thô, bàn ghế mới thơm nồng
Chiếc bàn xinh màu gỗ xà cừ
Tuổi cũng vừa tròn 10 năm thương nhớ
Cuốn sách đẹp lật từng trang mở
Hai mươi lăm năm - mái trường Bách Khoa !
Hà Nội 24/10/1979
Kiều Anh Hương
|
|
kieuanhhuong
member
REF: 538381
05/07/2010
|
50. MẮT BIẾC NGÀY XƯA !
Lại những đêm nồng nàn hoa sữa
Gió vô tình vương qua hồn tôi
Để chợt nhớ một khoảng trời xa ngái
Dáng em như ngôi sao ban mai !
Có thể rồi nắng sẽ tràn vai
áo bạc, tóc phai,
Tất cả chỉ còn là ký ức
Có thể rồi mưa ướt mắt
Không bến không bờ,
Mãi mãi Anh không Em !
Có thể rồi tất cả sẽ lãng quên
Nhưng mắt biếc thì mãi xanh muôn thuở
Ước gì cái ngày xưa ấy
Lại quay về ngập tràn hồn tôi !
Một chút hương hoa thôi
Cũng ấm nồng thương nhớ !
Hà nội 10/2000
Kiều Anh Hương
------------------------------------------------------------------
Gặp lại tuổi hai mươi
Thơ - Kiều Anh Hương
Nhà xuất bản Hội nhà văn- 65 Nguyễn Du – Hà Nội
Tel & Fax : 04.8222135.Email : nxbhoinhavan@hn.vnn.vn.
Chịu trách nhiệm xuất bản :
Nguyễn Phan Hách
Biên tập : Phòng văn học trong nước
Vẽ bìa : Lan Hương
Sửa bản in : Bích Ngọc.
In 1.000 cuốn, khổ 13 x 19, tại xưởng in GTVT.
Giấy đăng ký KHXB số : 1/1386/XB-QLXB cấp ngày 12/10/2001.
In xong và nộp lưu chiểu tháng 11/2001.
|
|
kieuanhhuong
member
REF: 538400
05/08/2010
|
HỒI ÂM TỪ BÈ BẠN
1. CÕI LÒNG NGƯỜI LÍNH
( Nhân đọc “ Gặp lại tuổi hai mươi “ của Kiều Anh Hương )
Nhà văn. Nguyễn Quang Hà
(Nguyên TBT Tạp chí Sông Hương)
Ngay bài thơ in đầu tập “Vùng trời thánh thiện“ có hai câu đã làm tôi giật mình, làm tôi choáng ngợp :
“Những lo toan năm tháng đời thường
Như tấm áo chật choàng lên khát vọng ..”
Những người sống được chăng hay chớ, sống “nước chảy bèo trôi..” không thể có được tâm trạng dằn vặt cho “khát vọng” của mình đến vậy. Tôi gấp sách lại, đoán xem đường đi của tác giả trong tập thơ này..?
Anh vốn là một người đã có ít thơ đăng trên tạp chí Sông Hương của Huế chúng tôi, nhưng chưa có một câu tâm trạng nào viết thành thơ hay thế.
Mở sách đọc tiếp, bài “Cao thấp”, vẫn tâm trạng thăm thẳm ấy :
“... Bây giờ
Chúng mình lớn lên
Những trang đời
úp mở...
Những đồng tiền
sấp ngửa
Đỏ den...”
Tôi có cảm giác bão tố đang cuộn cuộn dâng trong Kiều Anh Hương.
Đến bài thứ ba “ Tặng em gái Ngọc Hà “ :
“Bài thơ nào viết cho Mẹ và Em
Lời chân thật, bỗng trở thành xa lạ
Cuộc sống mới cứ ù à, ù ập...”
Lắng lại phút chốc, tôi bỗng nhận ra đây là con người cần thiết của cuộc đời này, của hôm nay, của cuộc sống đầy biến động vây quanh chúng ta từng ngày. Người không có trách nhiệm với cuộc sống có kẻ thì than thở, có kẻ thì quay mặt, có kẻ phát khùng chửi bới, cũng có kẻ dám đối mặt bằng chính thơ mình.
Khi biết Kiều Anh Hương vốn là người lính trận mạc đã đánh Mỹ ở A-Lưới, Tà-Cơn, Động-Tranh và ngay cả ở Huế nữa thì tôi yên lòng. Chỉ có người lính thực thụ, đã dám sống xả thân, sống cho một khát vọng, bây giờ đứng trước những thời vận “đỏ-đen“ mới vật vã mình đến vậy.
Tôi gỡ rối bằng cách lần tìm đầu mối của Kiều Anh Hương, rất may tôi đã gặp. Anh đã giải thích cái lẽ cầm súng của mình :
” Tháng giêng, tháng hai
Cái mủng rách, mẹ mòn tay
Qua nhà người mượn vay, cầm cố
Em đói ăn khóc lả trên nôi
Cha thì lo ngược rừng
Kiếm củi kịp về chợ chiều đổi sắn..”
(Đất Làng)
Sự cơ cực là điểm xuất phát vùng lên của dân tộc này. Phải thấm nỗi đau, nỗi nhục hai triệu rưỡi người chết đói năm 1945 mới hiểu nỗi khát khao “độc lập”. Thế hệ đàn anh của chúng tôi cũng lên đường cùng một cảnh ngộ : “Quê hương anh nước mặn đồng chua. Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá“ chỉ có cách giải thích ấy mới hiểu được cội nguồn cái lẽ : “Kẻ thù buộc ta ôm cây súng“, vì “ta yêu sao làng quê non nước này“.. Cái quê hương của những người cầm súng chúng tôi có một tên gọi đầy hãnh diện : “Việt Nam“. Điều đó cũng lý giải được vì sao khi chúng tôi đi trong hàng ngũ cách mạng thì coi cái chết nhẹ như lông hồng.
Những người không cùng thời khó hiểu được “Ngày hội của cách mạng“ là như thế nào và Kiều Anh Hương đã nói rất đúng tâm trạng của chúng tôi, thế hệ chúng tôi thời ấy, thời khát vọng tự do đã gặp được chân lý :
“Họ đã sống một thời sáng choang quả cảm
Không sợ đói nghèo
Chỉ sợ không được đi đánh giặc“..
( Nhớ một thời )
Đội ngũ những người lính đúng là “người ngươi, lớp lớp“, dù hoàn cảnh nào, dáng đi của họ vẫn hiên ngang.
“Quãng đời vai quàng súng
Chân dép lốp lội rừng
Lưng cõng đầy gió núi..”
(Thấy lại tuổi hai mươi )
Đó là một dòng thác hăm hở, dòng thác xuyên rừng, băng qua mọi gian lao :
“Mồ hôi đẫm ướt ba lô
Súng quàng vai, lá nhấp nhô điệp trùng..”
( ở rừng )
Song nói tới người lính là phải nói tới súng đạn. Chính ở chỗ đó mới là nơi đích thực thử thách khát vọng của mình, mới là nơi đủ chứng cứ để nói rằng đâu là “dạ sắt, gan vàng”. Kiều Anh Hương tả “Cái hầm trên đèo“ của mình trong tư thế của người lính ấy :
“Sáng sáng, mưa bom
Chiều chiều, bão đạn
Đêm đêm, pháo sáng
Hầm vẫn bám đường..”
Và rồi ở chốt “Tà Lương” chỉ cách Huế chừng ba chục cây số... thao thức chờ từng đợt bom thù dội trên đầu, không biết liệu mình có sống qua được sau trận bom tiếp theo.
“ Tà Lương, một ngày không tính bằng một ngày
Chỉ được tính bằng những lần đang thức
Bom B.52 không chia thành khoảng cách “...
Có chờ bom B.52 trong đêm mới hiểu mỗi giây trôi qua nặng nề đến thế nào! Nhân cách người lính là ở chỗ đó, dám đối mặt với bom đạn, nói cách khác là không sợ chết - Tức là dũng cảm! Người Quảng Trị đã tổng kết : Mỗi người dân Vĩnh Linh chịu bình quân 7 tấn bom trên đầu. Chiến trường Huế cũng không thua gì chiến trường Quảng Trị đâu. Nghiệt ngã vô cùng. Không chỉ bom đạn nghiệt ngã, mà cả miếng ăn cũng nghiệt ngã. Có lá thư của anh em viết ra, suốt bảy ngày không có cơm để dán phong bì. Có người chết vì đói quá, ăn phải quả độc. Phải ở chiến trường miền Nam những năm đánh Mỹ mới hiểu thế nào là bom đạn, đói khát. Có lúc trong mặt trận Thừa Thiên, nơi mà Kiều Anh Hương đã sống, chúng tôi đã tâm sự thật với nhau rằng : nếu ai sống ba năm, kiểu sống của người lính chúng tôi ở đất Thừa Thiên đói cơm, đói đạn nhường ấy đã xứng đáng là anh hùng rồi. Sống kề bên cái chết như thế, súng đạn dạy con người ta lòng nhân ái. Những kỷ niệm năm tháng nặng lòng đã cho Kiều Anh Hương những tứ thơ thật hay :
“Chỉ có trái tim bè bạn
Mới nhận ra nhau
Giữa cuộc đời thường..”
( Cao thấp )
Tôi tin rằng người lính, vâng người lính, đã trả giá cuộc đời bằng máu xương mình nên họ bao giờ cũng nhân ái. Tôi rất đồng ý với Kiều Anh Hương khi anh nói :
“Tấm màn lính quây tròn kỷ niệm
Vẫn phồng căng hơi thở bốn phương trời “
(Đêm ký túc xá)
Tôi dám nói vậy, vì tôi đã đọc ở đâu câu thơ này : “Từ khi gắn ngôi sao vàng trên mũ, ta đã là con của vạn nhà“. Chính người chiến sĩ Việt Nam là người có hạnh phúc nhất, vì đi đến đâu họ cũng có “Người Mẹ”. Bất cứ người mẹ Việt Nam nào cũng gọi các anh bộ đội là “Con”. Có chuyện thật này : anh bộ đội trong hầm bí mật. Mỹ – Ngụy tới, bắt mẹ tra khảo. Chúng lấy tôn quấn quanh Mẹ, dùng rơm đốt nóng dần, nóng dần. Mẹ vẫn không khai. Cuối cùng Mẹ chết. Người lính lên hầm, mở tôn ra, da thịt Mẹ dính vào tôn. Anh bất giác oà khóc và gọi : “Mẹ ơi !”.
Không có tình cảm ấy, Kiều Anh Hương không thể có được những câu nghĩ về bạn bè mình sâu nặng đến thế, dù lúc đó anh đã ngồi trên ghế trường Đại học :
“Biết giờ này bạn ở nơi nào
Rừng biên giới hay sóng xô hải đảo
Mảnh trăng cuối tuần còn bên sườn núi
Cánh võng phập phồng... giấc ngủ có tròn không ?”
(Đêm ký túc xá)
Kiều Anh Hương gắn bó lòng mình với đồng đội như thế đấy. Và phải thật là người lính anh mới nhìn Tổ Quốc mình một cách hết sức rạch ròi. Đau đấy, có lúc thật đau, nhưng bình tĩnh. Chả thế mà chỉ trong một bài thơ, hai khổ thơ để cạnh nhau, anh đã thấy Tổ Quốc mình dáng vươn vai đứng dậy hào hùng, dẫu mới 25 năm.
“ Tấm huân chương
năm một chín bảy lăm
Không đổi được áo cơm cho con thời hậu chiến...
.....
Năm 2000 đến thật rồi kia
Con chợt thấy trên ngực cha lấp lánh
Tấm huân chương cuộc đời
Được tô lại bằng mồ hôi, nước mắt
Bằng trái tim kiêu hãnh làm người ..”
(Tấm huân chương cuộc đời )
Tôi hiểu hình tượng “Cha“ trong thơ Kiều Anh Hương là Tổ Quốc. Vậy Tổ Quốc chúng ta kiêu hãnh làm sao. Đọc ba câu đầu, tôi giật mình. Đọc tiếp năm câu sau, tôi trút một hơi thở dài khoan khoái, như trút được một gánh nặng.
Kiều Anh Hương rất giản dị giải thích những trạng thái tâm hồn mình, có lý, có tình :
“Một chút hương hoa thôi
Cũng thoảng thầm bao thương nhớ“.
Đọc thơ Hương, quả thật tôi như được sống lại tuổi hai mươi của đời mình. Chúng tôi được sống đến hôm nay đã là may lắm. Đại đội tôi 155 đứa, bây giờ chỉ còn 39 đứa đây. Càng thương nhớ bạn càng hiểu cuộc đời. Sự cảm thông ấy giúp tôi gặp Hương ở cái mối hàn nối hiện tại bây giờ với quá khứ ngày xưa :
“ Tôi thắp lên thơ tôi một nén trầm
Để nhớ về bao đồng đội “
Thơ Kiều Anh Hương là một tấm lòng người lính Trị Thiên.
Huế, ngày 22/12/2001
Nguyễn Quang Hà
|
|
kieuanhhuong
member
REF: 538633
05/09/2010
|
HỒI ÂM TỪ BÈ BẠN
2. CHÁY BỎNG NHỮNG “SUY TƯ TRƯỜNG SƠN”
( Nhân đọc bài thơ : “Suy tư Trường Sơn” in trong tập “ Gặp lại tuổi hai mươi”)*
NHÀ THƠ : THANH THẢO
Nhân ngày 22/12, xin được bình một đoạn thơ trong tập thơ này :
“Con đường ta đi trong mù sương
Bom thù dội, cháy lưng đèo trước mặt
Con gõ kiến cúi đầu: Cộc ! Cộc !
Bên gốc thông khói cuộn hương buồn...
Con tắc kè đếm thời gian vô tận, vô cùng !
Con khỉ sải từng cánh tay
Đếm cây rừng cao thấp
Con hổ lặng thinh bên rừng già hun hút
Nín chờ những bàn chân người lính đi qua ...
Con nhện chăng tơ, rối cả mắt trẻ trai
Con mối đùn lên làm nấm mồ khô khốc ?
Chỉ có những câu thơ trong cổ tích
Làm dịu nỗi đau của rừng..
Khi tiếng chim cu gáy vọng cuối đường
Là khi chú tắc kè
Giã vào đêm thăm thẳm ..
ánh sáng chói vàng trong tầm mắt
Bỗng tối sầm sau vách núi thung sâu !
Bài thơ gây xúc động với những hình ảnh sinh động về Trường Sơn, những hình ảnh mà dẫu ai đã qua Trường Sơn một lần trong chiến tranh, chắc còn nhớ mãi. Nhưng cái suy tư đau đáu của bài thơ này lại nằm ở phần cuối, ở những dòng thơ cuối:
“Nhưng mỗi khi nhớ về những cánh rừng
Trụi lá,
Chĩa lên trời xanh như triệu triệu cánh tay
Khẳng khiu, đen đủi,
Có khi nào lòng ta chợt hỏi :
Rừng ơi, ngươi có trách ta ?
Trường sơn ơi, người có trách ta ?
Xin đừng hãt nữa lời ngợi ca,
Hãy cứu lấy những gì còn sót lại ! “
Tháng 9.1978
Sau 23 năm, bây giờ càng thấm thía với lời cảnh báo trong bài thơ của một người lính, hồi ấy còn rất trẻ. Hãy giữ lấy Trường Sơn, cả những cánh rừng và cả những kỷ niệm, hãy bớt ngợi ca đi và hãy hành động, để cứu lấy những cánh rừng. Bọn quan tặc và lâm tặc đang đốn ngã cả những gì thiêng liêng nhất mà chúng ta hằng đổ máu để gìn giữ.
Tháng 12.2001
Nhà thơ Thanh Thảo
------------
(*) Bài viết đã in trong tập nguyệt san “Kiến thức gia đình“ – phụ san của báo Nông nghiệp Việt Nam, tháng 12/2001, trang Thanh Thảo và Thơ.
|
|
kieuanhhuong
member
REF: 539495
05/13/2010
|
Topic này xin được dừng ở đây; Xin cảm ơn các bạn đã bỏ công theo dõi !
Kiều Anh Hương
|
1
|
Kí hiệu:
:
trang cá nhân :chủ
để đã đăng
:
gởi thư
:
thay đổi bài
:ý kiến |
|
|
|
|