Minhxotxa
member
ID 39782
04/11/2008
|
Hành trang Lữ khách : Bò nướng Lạc Cảnh - Nha Trang + Lẩu bò Sài Gòn: Món ăn dành cho nhiều "gu"
Bò nướng Lạc Cảnh - Nha Trang.
Dân sành ăn khắp nơi kháo nhau rằng: "Đến Nha Trang mà chưa ăn bò nướng Lạc Cảnh thì mới biết Nha Trang có một nửa".
Tuy đó chỉ là câu đùa nhưng thực ra cũng không phải quá điêu ngoa. Trong cẩm nang du lịch nước ngoài luôn có địa chỉ quán bò Lạc Cảnh.
Quán có nhiều món ăn như gà xối mỡ, cơm tay cầm, chả tôm nướng mía... nhưng nổi tiếng nhất vẫn là bò nướng. Bí quyết nằm ở khâu tẩm ướp gia vị mà chỉ một vài người trong gia đình nắm công thức và tuyệt đối không truyền ra bên ngoài. Thịt bò ướp bằng mật ong và có trên 10 loại gia vị chế biến riêng. Đặc biệt thịt xắt thành miếng vuông, vừa ăn. Khách tự nướng trên than hồng; Miếng thịt mềm cắn ngập đến tận chân răng.
Chủ quán Hàn Hớn Minh, gốc người Hoa, dòng họ Hàn người đảo Hải Nam sang Việt Nam lập nghiệp từ những năm 50 của thế kỷ trước. Quán bò nướng gia truyền được mở từ năm 1963 bên bờ biển Nha Trang (nay là đường Trần Phú), đến nay thì "trú ngụ" tại 44 Nguyễn Bỉnh Khiêm.
=================================================================
Lẩu bò Sài Gòn: Món ăn dành cho nhiều "gu"
Vua bếp Trần Văn Nghĩa cho rằng ngày trước ở Sài Gòn, người Hoa có món hủ tiếu lòng bò, hủ tiếu bò viên chứ chưa có món lẩu bò. Sau này, cánh thợ nấu cỗ khi làm bò đã lấy những "món độc" như pín nấu ăn nóng; cách này truyền dần ra ngoài.
Vào khoảng những năm 80-90 thế kỷ trước, pín bò, gân bò giá rất rẻ, cao lắm chưa đến chục ngàn một kg. Nhưng bây giờ giá pín bò bán sỉ đã tới 60.000 đồng/kg. Óc bò, tuỷ bò giá cũng cao gấp đôi ba lần, cách đây vài năm giá các nguyên liệu này chỉ vào khoảng 15.000 đồng/kg.
Để nấu được nước dùng cho lẩu bò, bếp trưởng quán lẩu bò Nguyễn Hoàng, quận 5, cho biết phải đặt mua cho được xương bò. Giống như nấu phở, nước dùng nấu bằng xương bò mới dậy mùi thơm. Nếu là xương trâu thì phải dùng những gia vị như đại hồi, thảo quả, quế… hơi nặng tay nhằm khử mùi hôi, nhưng nước lèo sẽ bị ảnh hưởng đậm các gia vị này hơn là mùi thơm tự nhiên của bò.
Nước dùng lẩu bò tốn nhiều công phu ở giai đoạn ninh xương - ít nhất cũng phải mất 10-12 giờ thì nước mới ngọt và dậy mùi thơm.
Tuỳ theo cách nấu của mỗi quán, lẩu bò có hai gu chính. Hương vị nước dùng tương tự như phở, lẩu bò nấu theo gu này thường dùng tương để chấm. Rau ăn kèm là cải bẹ xanh và rau húng quế, ngò gai. Lẩu bò kiểu này được bán tại khu Ngô Thời Nhiệm, quận 3. Thực ra, lẩu bò gu này chỉ là một biến tấu của tô phở. Vậy nên tinh bột dọn kèm là bánh phở. Nước lèo càng ngon như nước lèo phở, lẩu càng hấp dẫn.
Dân sành ăn không bao giờ kêu lẩu theo sắp đặt của quán, mà kêu một cái lẩu nước lèo, rồi kêu những món phụ tùng bò mà mình ưa thích. Một tô phở nối dài với độ nóng không đổi như thế bảo sao không ngon, vì nó thuộc hàng "siêu phở” rồi! Nhiều người miền Bắc đâm ghiền, nên lẩu bò Sài Gòn cũng đã có mặt ở Hà Nội.
Gu thứ nhì nước lèo cũng như trên, nhưng các nguyên liệu cho vào lẩu có thêm đậu phụ non, khoai môn và nhất là tía tô cắt nhỏ. Rau ăn kèm là cải bẹ xanh, tần ô; riêng quán lẩu bò Hai Châu trên khu Cây Trâm quận Gò Vấp còn có thêm kèo nèo và rau má. Với cách ăn này thì nước chấm thường dùng là chao. Một biến thể của lẩu bò là món đuôi, pín, gân bò tiềm thuốc bắc, món này lại dùng xà lách xon ăn chung và chấm với muối tiêu.
Lẩu bò lôi cuốn người ăn nhờ vào cảm giác khi nhai, hầu hết các thức trong lẩu đều xừng xực giòn như nhượng, pín, đuôi, gân, lá sách… Những thứ này không có nhiều vị ngọt của thịt nên bù vào đó, nước dùng của lẩu phải ngọt mà thanh dịu, không ngậy mỡ thì món lẩu mới đúng là siêu phở.
Alert webmaster - Báo webmaster bài viết vi phạm nội quy
|
Trang nhat