Minhxotxa
member
ID 55925
09/23/2009
|
Cá voi trong thành phố
Cá voi trong thành phố
Trong một buổi mua cá biển về kho ăn dần trừ bữa, dì Sáu Béo phát hiện trong rổ có một con cá voi con bằng bàn tay, bèn vứt ngay xuống cống, vì lúc nhỏ loại cá này vừa nhiều xương lại vừa dai. Nào ngờ, ngay sau đó 5 phút, trời đổ mưa phùn, hạt mưa chỉ to bằng hạt bụi phủ lên xóm nghèo như một màn sương tuyệt đẹp...
Lập tức nước cống dâng lên, kèm theo nước là những sản phẩm mang tính "đặc sản địa phương", được gìn giữ bao nhiêu năm không pha trộn: túi ni lông, xác mèo chết, vỏ chuối, chuột chù và rác ngũ sắc.
Bọn cá voi coi oai vệ là thế, nhưng thực ra, ở ngoài đại dương, chúng rất đói ăn, vì biển tuy rộng nhưng cá lại đông, chưa kể mấy năm nay, nạn khai thác bừa bãi khiến nguồn thuỷ sản cạn kiệt. Cho nên, thỉnh thoảng đài báo lại đưa tin có cá voi này hay cá voi kia chết đói, xác dạt vào bờ, trơ ra những bộ xương khổng lồ như xương thuyền.
Đằng này, vùng vẫy trong nước cống, con cá voi của dì Sáu Béo tha hồ kiếm thức ăn. Bao nhiêu thứ nổi lềnh bềnh do con người thả xuống được nó "tận dụng và khai thác" triệt để. Mồm há rộng như ... hầm chui Văn Thánh, cá đớp liên tục từ gà qué, trái cây cho tới các tập hồ sơ dự án đang trôi dạt theo dòng nước cuồn cuộn.
Hậu quả là, con cá lớn nhanh như thổi, trong nháy mắt đã to bằng toà nhà sáu tầng.
Trong dòng sông - phố mênh mông, lưng cá hiện ra lù lù như tấm phản. Dì Sáu Béo vốn xưa nay làm nghề bán cơm tấm, tổng thu nhập không bao giờ vượt quá hai chục nghìn một ngày, chả hiểu gì về cái "chương trình đánh bắt xa bờ", nhưng cũng nhanh chóng tìm ra cách khai thác cá. Dì không giết cá làm thịt bán, mà dùng cá làm phương tiện chuyên chở, vừa cơ động vừa "tận dụng phương tiện tại chỗ". Đi từ đầu phố đến cuối phố, trẻ em ngồi lên lưng cá thì 2.000 đồng, người lớn 4.000 đồng, nếu kèm theo xe gắn máy thì thêm 3.000 đồng nữa.
Cá chở không hết khách, vì mùa mưa, nước ngập, nhu cầu đi lại của bà con không hề giảm bớt. Ngồi trên lưng cá vừa khô ráo, vừa nhìn được cảnh quan hai bên bờ, khiến cho du khách vô cùng thích thú. Dì Sáu Béo thu tiền không kịp đếm. Là một nhà kinh doanh năng động và sáng tạo, dì Sáu còn đề xuất cho mình nhiều phương án khai thác rất thuận tiện và hiệu quả: nào là bán vé tháng, nào là giảm giá cho học sinh, sinh viên, nào là có vé tập thể cho đám ma, đám cưới, nào là liên kết với công ty du lịch để chở khách quốc tế... Kết quả là sau một tháng nuôi cá, dì Sáu Béo trở thành chủ nhân của ba khách sạn, chưa kể mấy nghìn mét vuông đất ở ngoại thành.
Tấm gương làm giàu của dì Sáu được các cơ quan chức năng khuyến khích. Mặc dù ban đầu, Sở Giao thông công chính có hỏi giấy phép chuyên chở, hỏi bằng lái, Sở Khoa học có hỏi đến thu nhập... nhưng vốn là người có kinh nghiệm nhiều năm lăn lộn trên thương trường, dì Sáu "qua" được hết. Chỉ có giấy phép "phòng cháy chữa cháy" là không ai hỏi, vì rõ ràng là dì Sáu đã chấp hành tốt.
Phong trào nuôi cá lập tức được nhân rộng. Cá voi con đắt còn hơn nhà mặt tiền. Một số bọn vô lương tâm còn trà trộn cá voi và cá lóc, vì lúc mới sinh ra, chúng rất giống nhau. Việc dùng cá voi đi lại trong mùa mưa rầm rộ như "xe buýt thế hệ mới" khiến các chủ cá hốt bạc. Có nhiều người còn gắn đèn xanh đỏ trên lưng cá và gắn máy lạnh để câu khách, có tiếp viên nữ mặc váy ngắn khiến dư luận lên tiếng.
Đùng một cái, người ta tuyên bố xoá bỏ các điểm ngập nước mùa mưa, khiến dân kinh doanh nháo nhác. Cá voi bị giết thịt la liệt, phơi khô bán ở chợ rẻ như bèo.
Riêng dì Sáu Béo vẫn ung dung, vì năm nào cũng nghe chuyện chống ngập này rồi. Dì bỏ tiền thu mua tất cả cá voi neo lại ở đó. Quả nhiên, tới lúc mưa xuống, nhiều điểm ngập nước không hề mất đi mà chỉ di chuyển từ vùng này sang vùng khác, khiến cho sáng kiến dùng cá voi chở khách càng phát huy hiệu quả. Dì Sáu Béo trở thành tỷ phú, cho con cái ra nước ngoài học về môn Cấp thoát nước đô thị, đứa nào cũng thành tài.
Tuổi Trẻ Cười
Alert webmaster - Báo webmaster bài viết vi phạm nội quy
|
Trang nhat