Than ôi thân phận Hồ Cương Quyết!



Tháng Mười Hai 1, 2011

“Tôi thuộc về thế hệ Việt Nam. Từ khi hai mươi tuổi, tôi đã rất gắn bó với đất nước, con người Việt Nam. Cuốn theo các cuộc chiến tranh, tôi đã mạo hiểm cuộc sống, rời bỏ gia đình cùng các bạn bè để chiến đấu bên cạnh các người bạn Việt Nam. Trong trận chiến này, họ đã trở thành những người anh em của tôi và đặt tên Việt Nam cho tôi. Đấy chính là tên trên chứng minh thư và hộ chiếu Việt Nam của tôi ngày nay… Như vậy, không có gì ngạc nhiên khi tôi là công dân Việt Nam 100% gốc nước ngoài”.


Cái cà vạt màu đỏ và sự khúm núm cũng không đủ để ĐCS cho ông Hồ Cương Quyết tự do đâu!


Trên đây là những lời tâm huyết của ông André Hồ Cương Quyết – một người Pháp vừa mới nhập quốc tịch Việt Nam năm 2009. Ông nhà giáo André Menras thường được một vài người dân Việt gọi thân mật là “Ông Tây Việt cộng”. Ông sinh năm 1945 tại Hérault (Pháp), tốt nghiệp Trường sư phạm Montpellier. Từ năm 1968 đến 1970 ông đã đã qua Việt Nam dạy học. Ngày 25/7/1970, ông cùng bạn là Jean Pierre Debris đã giương cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và rải truyền đơn ngay trên đầu tượng lính thủy đánh bộ Mỹ (trước tòa nhà quốc hội của Việt Nam Cộng Hòa). Ngay sau đó hai người này đã bị bắt và bị kết tội tù tại khám Chí Hòa hơn hai năm rưỡi. Năm 1972, cả hai người bị trục xuất về nước… Là chủ tịch Hiệp hội trao đổi sư phạm Pháp – Việt, ông đã giúp các trường đại học ở Việt Nam trao đổi giáo viên, chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy với một số trường đại học của Pháp. Ông cũng là người tham gia tích cực chương trình “Nước ngọt cho Trường Sa”, và quyên góp tiền mua máy lọc nước biển ủng hộ Trường Sa. Ngày 5-11-2009 ông Hồ Cương Quyết chính thức được công là công dân của nước Việt Nam.

Có thể nói, cả đời ông Hồ Cương Quyết đã gắn bó sâu nặng một cách tự nguyện như một định mệnh với người dân và đất nước Việt Nam, chẳng khác nào một người Việt chính hiệu về huyết thống. Có lẽ đối với ngay cả những cựu quân nhân hay những anh chị du kích, hoặc các sinh viên Sài Gòn phản chiến xưa, ông Hồ Cương Quyết không hề thua kém họ về tinh thần dũng cảm . Ông đã chấp nhận tù đày để giương cao ngọn cờ tự do dân chủ và nhân quyền trên một đất nước mà ông yêu quý. Rất nhiều những vị cao tuổi, vốn là những tướng lĩnh hay sĩ quan, binh sĩ của Miền Bắc năm nào cũng phải thán phục lòng dũng cảm và sự hy sinh cho Việt Nam của ông.

Hoang Sa Vietnam : La meurtrissure là bộ phim do ông Hồ Cương Quyết mới sản xuất, mang thông điệp rõ ràng về những nỗi đau tột cùng của ngư dân Hoàng Sa. Trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, nhất là Khối ASEAN về vấn đề Biển Đông. “Theo tôi, giải pháp nằm vào sự tôn trọng pháp luật quốc tế về biển (UNCLOS), tôn trọng tuyên bố ứng xử giữa Trung quốc và các quốc gia ASEAN ven biển Đông Nam Á. Chỉ việc tôn trọng luật pháp và có thiện chí mới giữ được hòa bình thật sự và lợi ích chung tại khu vực đó. Thời đại thực dân và đế quốc đã qua rồi. Các nhà lãnh đạo Trung quốc phải thức dậy thôi!” – Đó chính là mục đích chính của bộ phim nói trên.

Với lòng yêu nước và tôn trọng sự thật, ông Hồ Cương Quyết đã có ý định giới thiệu bộ phim ”Hoàng Sa-Việt Nam: Nỗi đau mất mát” tại một quán Cà Phê trong khu du lich Văn Thánh – Sài Gòn vào chiều ngày 29/11/2011. Tuy vậy, một số người tham gia tổ chức chiếu phim như ông Cao Lập – giám đốc khu du lịch Văn Thánh và ông Lê Hiếu Đằng – đã bị công an triệu tập trước khi buổi công chiếu diễn ra. Tại tiệm Cà Phê Ami Art khoảng 17h30 điện đã bị cắt hết. Phản đối điều bất công này, ông Hồ Cương Quyết đã viết tấm biển ghi dòng chữ “phản đối các hoạt động phi pháp và bạo động của Công an TP. HCM ngăn chặn và cấm việc chiếu phim”.

Hành động trên là thói quen đấu tranh của ông Hồ Cương Quyết từ hơn 40 năm qua. Nhưng thói quen này chẳng lẽ lại cũng phải nhường chỗ cho một thói quen đớn hèn khác: Chịu nhục, cúi đầu xuống, cắn rơm cắn cỏ mà phục tùng! Bằng không, sẽ ăn nắm đấm, dùi cui, sách nhiễu, và nặng hơn có thể được vào nghỉ mát trong khám Chí Hòa – nếu ông Hồ Cương Quyết không chịu bỏ “thói quen” tự do của mình. Vì đây (Việt Nam) đang là “một đất nước tự do gấp ngàn lần thứ tự do tại các nước Dân chủ Tư sản” – như lời bà Nguyễn Thị Doan – phó chủ tịch Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam đã long trọng tuyên bố (?!).

Khi những người dân lành còn bị ngăn cấm ngay cả lòng yêu nước, khi muốn thể hiện lòng yêu nước cũng phải dược nhà cầm quyền cho phép, như một thứ hàng xa xỉ, thì vấn đề tự do phát hành các sản phẩm văn hóa lành mạnh như bộ phim “Hoàng Sa – Việt Nam Nỗi Đau Mất Mát” còn xa vời đến đâu nữa. Ông Hồ Cương Quyết đã biết điều này, nhưng chắc vẫn không thể hiểu…

Cả đời ông Quyết đã dành tình yêu cho Việt Nam. Nhưng tình yêu đó sẽ không bao giờ có thể thực hiện trọn vẹn, vì ở Việt Nam yêu nước là phải gắn liền với “yêu chủ nghĩa xã hội”, yêu người tức là phải yêu Đảng trước đã. Như ông Tố Hữu đã từng bày tỏ: “…trái tim anh đó/Rất chân thật chia 3 phần tươi đỏ/Anh dành riêng cho Đảng (2/3) phần nhiều”. Cũng còn may, vì tiểu sử của ông Hồ Cương Quyết là một người dũng cảm. Vậy lúc này chính là lúc ông hãy đứng lên, sát cánh cùng nhân dân Việt Nam yêu tự do cất tiếng nói đòi công bằng tự do dân chủ, như cách nay hơn 40 năm ông đã làm. Nếu không thì… Than ôi cho thân phận ông Hồ Cương Quyết! Ông có thấy tiếc những gì ông đã hy sinh trong chiến tranh trước đây hay không?

Lê Nguyên Hồng

30-11-2011

Theo Công Dân