rubyngoc
member
ID 35492
01/15/2008
|
Múa lân nét văn hoá dân gian vào ngày tết lễ !
Múa lân và câu liễn (câu đối) đỏ mừng xuân là 2 nét đẹp văn hoá có ý nghĩa thiêng liêng trong ngày Tết. Đặc biệt là múa lân, một hình thức sinh hoạt văn hoá dân gian phổ biến. Do vậy, từ nhiều thế kỷ qua, nhân dân ta vẫn giữ phong tục độc đáo này trong những dịp lễ, Tết.
Khác với rồng, khi đi vào nghệ thuật, có một thời kén chọn giai cấp trong mối giao hảo với con người, vì rồng trong thời phong kiến là biểu trưng cho uy quyền tột đỉnh của nhà vua. Còn lân là biểu tượng của lòng lành, gần gũi với mọi người. Lân thường xuất hiện trong các lễ hội, là sự chế hoá, kết hợp nhuần nhuyễn hài hoà giữa đường nét trang nghiêm với sinh hoạt hùng dũng, tạo sự dí dỏm, hấp dẫn người xem. Từ xa xưa, lân đã giành được vị trí tiên phong trong mọi hình thức sinh hoạt dân gian. Lân không những xuất hiện trong các cuộc vui, hiếu hỉ mà còn ở những nơi thờ phụng trang nghiêm.
Khoảng trung tuần tháng Chạp, nghe tiếng trống “dồn dập” tập dượt múa lân thôi thúc, mọi người đều hiểu ngày Tết sắp đến. Múa lân đòi hỏi phải có nghệ thuật, bài bản rõ ràng thông qua hàng loạt những động tác phức tạp. Một bài múa đầy đủ phải qua các bước cao trào, sắp xếp các điệu múa nhịp nhàng với nhau, khi dồn dập, lúc khoan thai của các điệu thất tinh, phù hợp với 7 động tác liên hoàn. Sau đó là điệu tam hoa, biểu trưng cho ba bông hoa thể hiện sự vui mừng. Lẫn vào giữa hai cao trào này là các bước mã bộ của từng thế võ, từ bộ pháp, tấn, cách đi... đều mang nét đặc trưng của võ cổ truyền Việt Nam.
Người múa lân phải giỏi võ để biểu diễn những màn nhào lộn tung người trên không như song đấu, nội công. Nếu thiếu võ thuật, múa lân chỉ còn đơn giản là đội múa tuồng. Nổi bật trong các thế múa là tạo dáng đi cho lân có động tác vừa dí dỏm, duyên dáng, vừa oai hùng. Múa lân bao gồm những động tác linh hoạt, vừa múa, vừa lắc, dãy, nghiêng, ngó... Lúc lân vờn, vồ, lúc giỡn. Thông thường, đầu lân được cấu tạo bằng tre và giấy bồi, Các điệu bộ múa đã thể hiện được hỉ, nộ, ai, lạc. Thế nhưng, khi lân đến phục vụ lễ tang, nhất định không múa các điệu thất tinh, tam hoa và dứt khoát không múa với ông Địa. Dù Địa có bụng lành, nhưng gương mặt là nét trào phúng, chọc cười, không phù hợp trong tang lễ.
Múa lân phải trải qua 3 thao tác: Kỹ thuật múa, biểu diễn võ thuật và phổ biến nội công. Để có thể trình diễn được “đầu lân” phải khổ công luyện tập ít nhất là 2 năm. Đầu lân cũng chia ra thứ bậc rõ ràng là: Lân đầu bạc, mày bạc là lân lâu năm, điêu luyện, thuần thục các động tác múa; Lân râu đen, mày đen là lân mới vào nghề. Biên chế của một đội múa lân thường từ 20-30 người. Hai người múa Địa luân phiên, trống cái, phèng la, chập chọe... mỗi thứ 2 người, 10 người múa đầu lân thay nhau nghỉ và 5 người múa đuôi, 5 võ sinh diễu hành. Mỗi đợt chuẩn bị xuất quân, mọi người đều siêng năng luyện tập. Riêng đội trưởng phải nắm rõ sức khoẻ, hoàn cảnh từng người giống như một thủ lĩnh điều quân trước khi ra trận, căn cứ đặc tính từng người để chọn tiền quân, tả quân... Đến giờ xuất phát, người đội trưởng tập hợp các thành viên, giục trống để lân chạy chầu “Long Hổ sư”. Xong xuôi, trống dong cờ mở, tất cả lên đường.
Ngày nay, múa lân không những giữ gìn mà còn góp phần làm phong phú và đa dạng những hoạt động văn hoá dân gian, đồng thời là nét chấm phá sinh động trong đời sống dân tộc. Vì thế, múa lân không thể thiếu vắng trong những ngày lễ hội truyền thống, những ngày Tết cổ truyền của dân tộc.
( sưa tầm )
Alert webmaster - Báo webmaster bài viết vi phạm nội quy
|