goldsnow142
member
ID 54144
07/25/2009
|
NHAN SẮC ĐÀN BÀ
Trong cuộc đời của mình, có ít nhất ba người đàn bà đã đi qua cuộc đời anh hùng Núp.
Người thứ nhất là H’liêu, tên thật và cũng là tên nhân vật trong tiểu thuyết "Đất nước đứng lên" của nhà văn Nguyên Ngọc. Bà H’liêu đẻ cho ông Núp một người con trai là H’rup rồi chết trước khi ông Núp tập kết ra Bắc.
Tôi đã ngồi bên con suối mà ông Nguyên Ngọc tả mở đầu tiểu thuyết rằng ông Núp trao vòng cho Liêu. Con suối trong vắt chảy từ ngọn Konkaking hùng vĩ uốn lượn giữa rừng già trước khi đổ vào làng S’tơ, tức Kông Hoa trong "Đất nước đứng lên".
Nhưng có chuyện này thì phải đầu tháng 7 vừa rồi khi xuống dự lễ tưởng niệm 10 năm mất của anh hùng Núp tôi mới biết, ấy là trước khi ông Núp cõng H’rup vượt Trường Sơn ra Bắc tập kết thì ông đã được dòng họ làm lễ trao vòng nối dây với em gái ruột của H’liêu là bà Ch’rơ khi ấy còn rất trẻ, mới chừng mười ba, mười bốn tuổi...
Anh hùng giai nhân là cặp phạm trù luôn luôn sát cánh bên nhau. Dẫu phải nuôi H’rup một mình khá vất vả, và có lẽ cũng nhờ nuôi H’rup vất vả mà ông được một giai nhân thời bấy giờ ở Hà Nội yêu say đắm. Bà là ca sĩ H’ben, người Bana. Hồi trẻ H’ben đẹp lắm, đến tận bây giờ, hơn bảy mươi tuổi mà bà vẫn còn rất mặn mà, thì cứ suy ra cái thời ấy bà xinh đến mức nào.
Ông Núp thì khỏi nói rồi, cao lớn, đẹp trai, tiếng tăm lừng lẫy. Hai người cưới nhau và sinh được một cậu con trai, nhưng lại bị bệnh bẩm sinh, tay chân co quắp, tiếng nói không rõ.
Một thời gian sau thì bà H’ben gặp một "anh hùng" khác, trai phố Hàng Đào gốc, chưa vợ, một nghệ sĩ violon có hạng. Thì đã bảo bà H’ben đẹp lắm mà lại, để đến nỗi anh trai tơ phố Hàng Đào kia say đắm, và bà thì cũng cầm lòng không đặng, thế là... thẽ thọt với Núp, để rồi thỏa thuận: Bà H’ben lấy anh trai Hàng Đào tên Th, kèm theo cậu con trai với ông Núp. Ông Núp được lệnh vào Nam chiến đấu.
Ấy là vào năm 1963, ông Núp vượt Trường Sơn vào thị trấn Dân Chủ, xã Kroong, huyện An Khê, bây giờ thuộc huyện Kbang, rất gần quê ông Núp. Bây giờ chỉ chạy hơn tiếng xe máy, nhưng thời ấy phải đến năm 1967 tổ chức mới móc nối bà Ch’rơ từ làng S’tơ ra cứ với ông được. Bà trở thành vợ nối dây của ông và là người cấp dưỡng phục vụ cho ông từ dạo ấy...
Sau khi nối dây với bà Ch’rơ, họ rất hạnh phúc và suốt ngày quấn quýt bên nhau từ những ngày ở trong rừng vất vả đau thương cho đến những ngày cuối đời của ông trong căn phòng nhỏ ở khoa nội 4 của bệnh viện tỉnh Gia Lai kéo dài cả chục năm. Chính bà chứ không ai khác là chiếc gậy chống của ông trong những ngày chống chọi với bệnh tật và tuổi già. Nhưng hai ông bà lại không có con.
Bà H’ben thì sau đấy cũng vào công tác ở Gia Lai, làm hiệu trưởng Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật, ông Th chồng bà làm giám đốc Nhà Văn hóa trung tâm. Hai ông bà có một con chung là nhạc công đoàn nghệ thuật Đam San.
Điều kỳ lạ là, đang ở thành phố, không biết bà bàn thế nào mà ông bà đùng đùng bán nhà, về quê bà ở tít huyện Kong Chro xa xôi làm một cái nhà sàn và ở đấy trong điều kiện rất thiếu tiện nghi và vẫn nuôi chu đáo cậu con trai của bà với ông Núp, đã hơn bốn chục tuổi mà vẫn ngây ngô như đứa trẻ.
Hai ông bà không rời nhau nửa bước. Gần đây ông Th bị tai biến mạch máu não, thế là bà H’ben lại làm cái gậy cho ông, giống như bà Ch’rơ đã từng với ông Núp, ngày ngày đẩy xe cho ông Th đi dạo quanh làng, một ngôi làng Bana hiền hòa bên con sông thơ mộng ở cái huyện xa nhất tỉnh Gia Lai. Nhưng khác bà Ch’rơ là bà H’ben phải nuôi hai bố con, dẫu hai người đàn ông này không có quan hệ máu mủ.
Khi chúng tôi xuống lại làng S’tơ thì căn nhà xưa của ông Núp đã trở thành nhà lưu niệm ông, bà Ch’rơ hiện sống với cô con dâu tên Giang Năm và đứa cháu nội, rất xinh, là vợ hai của anh H’rup, anh này đã mất cách đây hai năm.
Bà Ch’rơ vẫn còn rất khỏe và minh mẫn. Khi biết có nhà văn Nguyên Ngọc về làng, bà thay váy áo mới rồi sang tận sân nhà lưu niệm đón ông Ngọc. Theo chị con dâu, ba người sống với nhau rất hòa thuận, và bà Ch’rơ thì bây giờ lại nghiện... cà phê, có thể uống một ngày mấy cữ.
Thôi thế cũng mừng, những người đàn ông Bana thường đa tình và lãng mạn. Ông Núp mất đi, bây giờ trong nhà ông có ba người thuộc ba thế hệ cùng sống, nhưng lại không trực hệ, đấy là bà Ch’rơ vợ nối dây của ông, chị Giang Năm là vợ thứ hai của H’rup con trai ông với bà H’liêu và đứa cháu là con gái của con trai ông với chị.
Họ sống hòa thuận và hạnh phúc ngay ở ngôi làng S’tơ nổi tiếng dưới chân dãy Konkaking hùng vĩ, nơi một thời ông Núp đã từng "bắn Pháp chảy máu"...
Phía sau người anh hùng bao giờ cũng có bóng dáng những người đàn bà. Với anh hùng Núp, những người đàn bà đã đi qua cuộc đời ông vừa lặng lẽ khiêm nhường, nhưng lại cũng đầy cao cả hy sinh, họ cho ta hiểu thêm một phần cuộc đời vinh quang của Núp...
Văn Công Hùng
Alert webmaster - Báo webmaster bài viết vi phạm nội quy
|
Trang nhat