nguoihaiduong
member
ID 60392
04/30/2010
|
Hạnh phúc là gì?( Sưu tầm )
Và Như Anh, giống như Thạc, cuối cùng cũng vẫn tìm được câu trả lời về hạnh phúc. Bởi chị đã chạm được đến cõi cao sang của Tình Yêu. Tình Yêu, với chị, là điều có thực trong đời!
Không hiểu sao, mỗi năm đến Ngày 30-4 lịch sử, tôi lại bị ám ảnh bởi hai ảnh hình: Hoa loa kèn- tôi tự đặt tên Hoa Tháng tư- và Bài thơ về Hạnh phúc của Bùi Minh Quốc: "Hạnh phúc là gì bao lần ta lúng túng. Hỏi nhau hoài mà nghĩ mãi vẫn không ra". Đó là bài thơ khóc vợ- nhà báo Dương Thị Xuân Quý, người đàn bà đang độ xuân sắc, đã vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường, cùng định nghĩa sâu sắc về hạnh phúc của ông.
Hạnh phúc là gì?
Dịp 30-4 năm nay, ngẫu nhiên, tôi lại một lần nữa bắt gặp câu hỏi này, khi cầm trong tay cuốn sách: Hạnh phúc là gì? (2 tập- Thư và Thơ) của Nguyễn Văn Thạc- Phạm Như Anh. Họ là hai con người bình thường bỗng trở nên nổi tiếng bởi tình yêu của họ quá đẹp, như văn học, như huyền thoại mà rất thực giữa đời thường.
Nếu như Dương Thị Xuân Quý cầm bút, thì Nguyễn Văn Thạc cầm súng. Cả hai cùng đi vào "mắt bão" của chiến tranh cứu nước, và để tìm câu trả lời cho khát khao của mình. Nhưng giống như Dương Thị Xuân Quý, Nguyễn Văn Thạc đã nằm lại vĩnh viễn dưới bầu trời đầy khói lửa (1973), để hơn 30 năm sau, Phạm Như Anh, cũng lại giống như Bùi Minh Quốc, viết trên trang đời "Hạnh phúc là gì?" với 140 lá thư tình của hai người.
Những lá thư tình trong chiến tranh vừa ngây thơ, vừa đầy hoài bão, đầy chất lý tưởng một thời. Mối tình tuổi trẻ thơ dại, hóa ra lại là mối tình lớn nhất với cuộc đời họ. Nó trẻ trung vô ngần, lại đằm say vô ngần, bởi rất hồn nhiên và tự nhiên, mối tình đó như dòng suối nhỏ trong veo biết hòa vào dòng thác lớn- sinh mệnh của dân tộc, ở những thời khắc khốc liệt nhất, xoáy lốc nhất, dù họ luôn ở hai đầu nỗi nhớ- người ra trận, người đi du học.
Tôi không có ý định trích đăng những lá thư của họ, vì hẳn không ít người đã từng đọc. Nhưng tôi thật sự sửng sốt khi đọc hai đoạn, ở hai lá thư khác nhau của Thạc, và của Như Anh, đều nhắc đến ngày 30-4-1975 như một "lời hẹn thề lịch sử", để trả lời cho nhau- Hạnh phúc là gì?
Thư của Thạc, ngày 30-4-1971 đã viết: "Như Anh ơi, hứa với Thạc đi, 30-4-1975, dù chúng ta có thể giận, ghét nhau đến đâu đi nữa, dù thế nào cũng sẽ viết cho nhau những dòng chữ "Hạnh phúc là thế nào" nhé. Thạc sẽ nhớ lời hứa này, và sẽ chuẩn bị "ý, tứ" cho bức thư ngày ấy bằng cuộc sống 4 năm sắp tới".
Còn thư của Như Anh, ngày 15-8-1971: "Thạc có thể quên Như Anh... Điều đó có thể lắm, logic lắm. Cũng được. Chỉ cần Thạc nhớ rằng, Thạc đã hẹn Như Anh 4 năm sau, ngày 30-4-1975 sẽ trả lời câu "Hạnh phúc là gì". Khi ấy, nếu Thạc quên thì suốt đời sẽ không bao giờ Như Anh tha thứ".
Lời "hẹn thề lịch sử" của cặp trai tài gái sắc về hạnh phúc đời người, vô tình, lại trùng với "lời hẹn thề lịch sử" của dân tộc. Người con trai, chưa đầy 20 tuổi, chưa được sống hết thời trai trẻ của mình, đã nằm lại vĩnh viễn bên đời trên hành trình tìm kiếm khắc khoải...
Và lịch sử dân tộc cũng đã giữ được "lời hẹn". 30-4-1975 đất nước thống nhất, giang sơn thu về một mối. Đó là cái mốc cuối cùng không thể khác, để từ đó trở đi, dân tộc VN là Một, nước VN là Một. Và người VN, hơn 80 triệu người trong nước, gần 3 triệu người ở đâu đó trên các quốc gia của quả địa cầu này, nếu có lòng với dân tộc, phải là Một.
Nhưng 35 năm qua, đến giờ, dân tộc ta vẫn phải đặt câu hỏi: "Hòa giải và yêu thương?". Lòng người vẫn còn muôn ngả. Liệu đó có phải là cái lỗi với những người trẻ đã khuất, như Dương Thị Xuân Quý, như NguyễnVăn Thạc, và còn biết bao mái đầu xanh khác đã nằm lại? Đời người thì ngắn, còn đời một dân tộc thì mãi mãi. Nhưng sức mạnh dân tộc lại nằm trong tay con người. Nếu hôm nay, chúng ta không hóa giải được, đó sẽ là một câu hỏi đầy trách cứ của hậu sinh.
Phận đàn bà và 12 bến nước
Phạm Như Anh ngồi trước mặt tôi. Mái tóc cắt ngắn, hiện đại.
Nếu gặp chị đâu đó trên đường, hẳn tôi dễ quên, vì chị không phải tuýp người ngay lập tức, để lại cho người đối thoại một ấn tượng sâu sắc. Nhưng câu chuyện 12 bến nước của người đàn bà thông minh, tài năng, có "thân phân tình yêu" thật khác thường này lại rất ám ảnh.
Tôi không dám hỏi Như Anh cái cảm giác mất mát tột cùng của năm 1974, khi từ Liên Xô đang du học, trở về nước, chị mới biết tin Thạc hy sinh. Chỉ biết, những thư từ, kỷ vật của Thạc, sau khi được gia đình Thạc trao lại, đã theo chị suốt cuộc đời, như hình bóng dấu yêu, dù Như Anh từng phải chuyển nhà, dọn nhà hàng mấy chục lần nơi xứ người.
Nhưng mất mát đớn đau đến mấy, con người ta vẫn phải sống. Như Anh vẫn phải sống.
Vậy mà con đường nhân duyên của chị, chưa bao giờ là con đường rải hoa hồng.
Ba năm sau, năm 1977, tốt nghiệp ĐH tại Minxcơ (Liên Xô cũ), Như Anh yêu một sinh viên người Đông Đức, cũng học toán như Thạc. Thời đó, yêu người nước ngoài là một chuyện cả gan 'tày đình".
Chị Lê Vũ Anh (con gái Tổng Bí thư Lê Duẩn lúc đó) chuyển thư của hai người cho cha của Như Anh- Luật sư Phạm Thành Vinh. Cha của chị xé ngay- ông vốn là người rất nghiêm khắc với chuyện yêu đương của con gái. Như Anh đành viết thư cho Đảng Cộng sản Liên xô "cầu cứu". Nhưng "các bác" cũng không quyết được, chỉ cấp cho Như Anh thị thực về Đông Đức.
Còn mấy tháng nữa thi tốt nghiệp xong, phải về Việt Nam, hai người yêu nhau đành viêt thư cho TBT Lê Duẩn thú nhận đã có mang hai tháng. Lá thư đó cũng được chuyển cả cho cha của Như Anh. TBT Lê Duẩn lúc đó, không ngờ rằng ngay con gái ông, Lê Vũ Anh cũng đang...có mang.
Hay tin, cha của Như Anh đành xuống nước: "Thôi, con có mang thì về nước sinh con. Còn anh kia (người Đức) phải về Việt Nam!"
Nhưng đó là lúc Như Anh đứng giữa hai áp lực, vì anh chàng người Đức bắt bỏ thai. Như Anh không chịu. Chị xin nhà nước Liên Xô cấp thị thực để được sang Đông Đức.
Thân gái dặm trường, sang được Đức, Như Anh đến ngay Sứ quán Việt Nam xin phép "hợp pháp hóa" việc lấy chồng. Không ai dám giải quyết. Chị đành sinh con, mang tiếng "trốn" sang Đông Đức, và vẫn không được chính thức...lấy chồng. Ở Đông Đức 3 năm, bỗng một ngày, Như Anh nhận được thông tin chính thức, phụ nữ Việt Nam, nếu có mang với người nước ngoài, được phép kết hôn. Và thế là Như Anh "lên xe hoa" sau suốt 3 năm chờ đợi, khổ đau, hoang mang và thất vọng.
Năm 1981, Như Anh trở về nước với biết bao mừng vui, buồn tủi. Nhưng năm 1982, quay trở lại Đông Đức, chị chợt nhận ra cái hố sâu ngăn cách không tránh khỏi giữa hai vợ chồng. Cái gì đến, dù đắng đót cũng phải đến. 4 năm sau, hai người ly dị.
Đi trên đường đời, với gánh nặng đổ vỡ, vừa nuôi con, người đàn bà ấy vừa theo đuổi con đường khoa học. Chị bảo vệ thành công luận án Phó Tiến sĩ, (bằng đỏ) chuyên ngành tổng hợp Lý- Sinh, có vị trí làm việc tốt, và rất được ưu đãi.
Hôn nhân chưa bao giờ mỉm cười với chị, nếu không nói là quá "cay nghiệt" khi tiếp đó một thời gian, Như Anh lại yêu và lấy một người Đức. 15 năm sau, người chồng này mất. Lại lấy một người Đức khác, 9 năm sau, ông này tiếp tục nối bước ông kia...
Không hiểu sao, tôi bỗng nhớ tới câu hát của mẹ hồi thơ bé, đôi khi mẹ tôi cất lên, khe khẽ về phận đàn bà, rất buồn bã: "12 bến nước, biết bến nào trong..."
Lấy 3 người chồng, một người đứt gánh, 2 người mất sớm, niềm an ủi lớn nhất của người đàn bà đó là có được 3 đứa con, một trai, hai gái. Khi tôi đến, chị đang nói chuyện đường dài với đứa con trai ở bên Đức- gương mặt lúc buồn, lúc vui, lúc trầm tư- những nỗi niềm muôn thuở của người mang nặng đẻ đau.
Nhưng tôi cũng thực sững người khi đọc tự sự của Như Anh ngay trong tập 1 của Hạnh phúc là gì: "30-4-1975, ngày tôi và Thạc hẹn nhau trả lời câu hỏi "Hạnh phúc là gì?", tôi đã thắp một nén hương lòng mà trò chuyện với Thạc. Hạnh phúc với tôi là được sống và xây dựng sự nghiệp cùng với Thạc, là hoàn thành được ước mơ của anh...Những điều tôi hứa nguyện lúc đó là: ....3. sinh được 3 đứa con để một đứa tiếp tục sự nghiệp và cuộc sống của Thạc, một đứa tiếp tục sự nghiệp của tôi, một đứa dĩ nhiên của người chồng sẽ đến trong cuộc đời của tôi...Và số phận tuy rất khắt khe dường như đã cho phép tôi được thực hiện lời nguyền ấy.
10-4-2005, con trai thứ hai của tôi Phạm Thành Đại Trí tròn 18 tuổi, lứa tuổi của Thạc....cháu đã trở thành sinh viên Toán ĐH Tổng hợp đúng như Thạc 35 năm về trước...".
Với Như Anh, tình yêu của Thạc quá lớn, đến mức ôm chật cứng con tim đau của chị, bao trùm và che chở bóng mát suốt cuộc đời chị, cả khi chị có bến đỗ bình yên, cả khi chị như con thuyền cô đơn chênh chao trên sóng nước...
Yêu thương hóa giải nỗi đau
Yêu quá hay bất hạnh quá, con người ta thường tìm đến những bí ẩn của đời sống tâm linh, lý giải về số phận. Như Anh cũng không ngoại lệ. Chị kể cho tôi nghe câu chuyện về chiếc áo xanh của Thạc. Đó cũng là câu chuyện ám ảnh tôi nhất, cách đây mấy năm khi chuyện tình của họ trở thành ngọn lửa đốt nóng biết bao nhiêu con tim mê say.
Khi Như Anh ôm con về Việt Nam, trong nỗi khổ tâm và hoang mang, chị tìm đến một người xem tử vi: "Em đang chuẩn bị li dị, đúng không? Em đang giữ một kỷ vật bằng vải, màu xanh da trời. Thế thì rất độc đó. Em phải làm lễ cắt tiền duyên đi, để người đó (có chiếc áo xanh) không theo em nữa. Nếu không em sẽ rất bất hạnh về tình duyên".
Như Anh sợ quá. Quả là bao năm nay, trong kỷ vật của Thạc, chị vẫn giữ của anh chiếc áo màu xanh da trời như vật bất ly thân. Nó là minh chứng cho tình yêu của hai người, một tình yêu không phôi pha, dù tóc chị giờ đã bắt đầu điểm bạc.
Cuối cùng, Như Anh vẫn không đốt. Không thể đốt.
Nỗi đau khiến chị nghĩ đến yêu thương nhiều hơn, làm mọi việc để thực hiện di nguyện của Thạc. Hay chính yêu thương đã hóa giải mọi nỗi đau?
Năm 2005, ý tưởng của Như Anh là xin thành lập một Quỹ giải thưởng cho tài năng trẻ mang tên Nguyễn Văn Thạc, và cuối cùng, Quỹ Mãi mãi tuổi 20 (tên cuốn sách nhật ký của Thạc) ra đời (trực thuộc Ủy ban NDTPHN).
Năm 2010, mới đây vào ngày 18-3, dưới đầu đề "30 triệu USD cho dự án đào tạo mang tên Nguyễn Văn Thạc" Báo Tiền Phong đưa tin "...Dự án Công ty Cổ phần Liên doanh đào tạo quốc tế Nguyễn Văn Thạc tại Đà Nẵng đã được ký kết, tổng vốn đầu tư dành cho dự án này là 30 triệu USD (tương đương 500 tỷ đồng Việt Nam)". Một trong những đại diện các đơn vị tham gia ký kết và thực hiện dự án này là TS Phạm Như Anh, Chủ tịch HĐQT Cty Việt nam Investment Consulting tại CHLB Đức. Mục đích của Dự án nhằm giúp đỡ, đào tạo những thanh niên nghèo có chí, hoặc học giỏi để thành tài.
Chị đã làm mọi việc cho Thạc của chị. Tình yêu ấy dẫn dắt chị phải sống có ích với quê hương hơn nữa. Tình yêu ấy làm rung động biết bao con tim khác.
Thuở yêu nhau, cả hai người cùng rất thích câu nói của Đasa với Teleghin trong cuốn tiểu thuyết "Con đường đau khổ" của A.Tolstoy: "Em yêu anh đến cây bạch đàn cuối cùng". Trước khi lên đường, Thạc hẹn ước: "Thạc đã không kịp trồng. Nếu Như Anh trở về, Như Anh hãy trồng cho Thạc cây bạch đàn".
Câu chuyện này chính Như Anh thổ lộ. Rồi có một ngày, bỗng nhiên, ông Nguyễn Quốc Triệu, Chủ tịch UBNDTP lúc đó, lên đường cùng với Thạc ngày 6-9- 1971 gọi điện cho chị: "Tôi muốn trồng cho anh Thạc 2 cây bạch đàn ở Nghĩa trang Quảng Trị".
Đích thân ông Chủ tịch thành phố và những người đồng đội của Thạc đã tự tay trồng hai cây bạch đàn bên nấm mồ xanh (cách đây ít lâu, theo nguyện ước của gia đình, Thạc đã được đưa về chôn cất tại quê nhà ở Cổ Nhuế- Từ Liêm, bên mộ anh vẫn là 2 cây bạch đàn tỏa bóng mát).
Tôi có cảm giác, giờ là lúc Như Anh được bình an nhất trong tâm hồn, khi chị muốn góp phần "hóa giải" nỗi đau nghèo khó của những thanh niên ngay tại quê nhà, có số phận không thật may mắn. Khi nhận ra, bạn bè, đồng đội của Thạc, bằng yêu thương và lòng khâm phục, họ mong muốn "hóa giải" nỗi đau cho chị.
Chợt nhận ra, phải chăng vì thế mà đất nước này trường tồn dù qua bao giông bão chiến tranh?
Biết hòa giải và yêu thương, từ mỗi số phận, mỗi thân phận cho đến cả cộng đồng, cả dân tộc, chỉ có thế con người mới "trở lại người hơn"; chỉ có thế, dân tộc này mới có thể mạnh giàu, có thể văn minh và ngẩng đầu kiêu hãnh.
Và Như Anh, đi qua mọi nỗi đau, cuối cùng cũng đã ngộ ra câu trả lời về hạnh phúc. Chị đã chạm được đến cõi cao sang của Tình Yêu. Tình Yêu- với chị- đã là điều có thực trong đời!
Kim Dung
Alert webmaster - Báo webmaster bài viết vi phạm nội quy
|
Trang nhat