Tình yêu cổ tích của vợ chồng người hát rong ( ST )
Trong một lần đi chăn trâu, chàng bị trúng bom còn sót lại từ thời chiến tranh, bị mù mắt, cụt tay. Cánh cửa cuộc đời tưởng như khép lại, nhưng tình yêu với cô gái mù lòa đã cứu rỗi cả hai, họ xây dựng hạnh phúc bằng những ngày tháng hát rong.
Sinh năm 1970 ở xóm nghèo Khe Thần, xã Nghĩa Bình (Tân Kỳ, Nghệ An), tuổi thơ của Vi Văn Ngữ là những tháng ngày cùng chúng bạn đi chăn trâu, cắt cỏ bên những thửa ruộng bị bom cày phá. Năm 1986, trong một lần đi chăn trâu, Ngữ đụng phải quả bom còn sót lại từ thời chiến tranh. Mạng sống giữ được nhưng đôi mắt của anh bị mù hoàn toàn, cánh tay phải bị đứt lìa.
Là chàng trai khỏe mạnh, nhạy cảm, bỗng nhiên trở thành người tàn phế, Vi Văn Ngữ vô cùng bi quan. Càng lớn lên những âm thanh như tiếng chim trên cành cây sau nhà, tiếng xe lọc xọc trên đường làng, tiếng cười đùa của lũ bạn giờ tan học, tiếng khỏa nước dưới sông... vô tình dội vào thính giác càng làm Ngữ thêm đau đớn. Trong 6 năm ròng, căn nhà của Ngữ luôn đóng chặt cửa.
Một mình đối diện với 4 bức tường im lặng và bóng tối, Ngữ lần bước chân cô độc rồi vấp phải cây đàn ghi ta mà nhóm thanh niên trong xóm vẫn thường đến chơi để lại ở góc nhà. Những âm thanh bật lên đánh thức trong anh một khát vọng mơ hồ. Run rẩy ôm cây đàn vào ngực, bàn tay còn lại lần tìm những sợi dây...
Ngữ quyết tâm tập đàn, 5 ngón tay bật máu. Khi nốt nhạc đầu tiên thành hình hài, anh hạnh phúc đến rơi nước mắt. Nó thắp cho anh niềm hy vọng, niềm tin vào cuộc sống. Ngày lại ngày, tiếng đàn, lời ca đã ấm lên trong căn nhà mấy năm đóng cửa, bạn bè cũng mừng vui kéo đến chia sẻ với nghị lực và sự quyết tâm của anh.
Các bạn động viên Ngữ gia nhập Hội Người mù của huyện Tân Kỳ. “Ở đó, tôi nhận ra không ít người bất hạnh hơn mình. Những bài ca vì thế không chỉ sầu não thở than mà đã có thêm những khúc rộn rã”, Ngữ chia sẻ. Anh được nhiều người biết đến hơn sau khi được Hội Người mù Nghệ An cử đi thi và đoạt huy chương vàng cuộc thi "Tiếng hát từ trái tim" do Hội Người mù Việt Nam tổ chức năm 2000.
Sau đó 2 năm, anh lại đoạt huy chương vàng trong Liên hoan nghệ thuật quần chúng do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tổ chức. “Được đi thi rồi được giải thưởng, tôi hạnh phúc vô cùng bởi công sức rèn luyện, phấn đấu của mình đã được ghi nhận. Từ đó tôi bắt đầu ấp ủ mình sẽ lao động, sẽ đứng lên và kiếm sống bằng chính khả năng của mình”, anh tâm sự.
Đến với âm nhạc, Ngữ tìm thấy niềm vui sống, nhưng trái tim trai trẻ chưa một lần dám nghĩ đến tình yêu, đến mái nhà rộn tiếng cười con trẻ. Trong lần xuống tỉnh để tập văn nghệ cho hội diễn, anh đã gặp Nguyễn Thị Hương, cô giáo dạy chữ Brai, giọng ca của Hội Người mù huyện Nghi Lộc.
Sinh ra trong gia đình có người cha bị mù, chị Hương và em trai đã bị mờ mắt bẩm sinh. Đồng cảnh ngộ, lại mến nhau qua tiếng đàn giọng hát, hai trái tim ấy đã cùng hòa nhịp. Khi thưa chuyện với gia đình đôi bên về việc kết hôn, cả hai đã gặp phải sự phản đối dữ dội. Gia đình anh Ngữ muốn con trai sẽ lấy cô gái sáng mắt để đỡ đần, bù đắp cho nhau trong cuộc sống. Mẹ chị Hương đã trải qua một cuộc sống khổ cực khi có chồng bị mù bẩm sinh nên không muốn gả con gái mình cho người mù lòa.
Nhưng tình yêu, sự chân thành của hai thanh niên khiếm thị đã vượt qua tất thảy những cản ngăn, cấm đoán. Năm 2001, đám cưới của họ do Hội Người mù Nghệ An tổ chức đã diễn ra trong nỗi mừng tủi của anh em, bạn bè và đặc biệt là những người cùng cảnh ngộ. Lấy nhau về, không có nơi ở, hai vợ chồng dắt díu đến Hội Người mù huyện Tân Kỳ xin tá túc ở một góc nhỏ trong trụ sở hội. Hàng ngày, họ dẫn nhau đi lang thang bán tăm, bán đũa.
Năm 2003, được mẹ vợ chia cho mảnh đất nhỏ ở xóm 5 xã Nghi Liên, hai vợ chồng đã dựng ngôi nhà nhỏ bằng tiền đóng góp của hội viên Hội Người mù và bà con chòm xóm. Hai đứa cô con gái xinh xẻo cũng lần lượt ra đời trong nỗi lo thấp thỏm liệu chúng có bị mù di truyền như chị Hương hay không? Nhưng thật may mắn, cả hai đứa đều khoẻ mạnh và ngoan ngoãn.
Gánh nặng mưu sinh từ đây càng thêm đè nặng. Việc bán tăm, bán đũa ngày càng khó khăn. Nhiều đêm hai vợ chồng thức trắng cùng những tiếng thở dài. Làm sao để sống, để nuôi con, để trả ơn bao nhiêu người cùng cảnh ngộ đã góp từng đồng tiền thấm đẫm mồ hôi, nước mắt tạo dựng cho mình một mái nhà?
“Khi bế tắc nhất thì cũng là lúc tôi nghĩ đến cây đàn ghita. Nó đã đem đến niềm vui sống cho tôi rồi mang lại mối lương duyên và một lần nữa tôi lại nhờ đến nó để mưu sinh”, anh Ngữ chia sẻ. Sau khi bàn tính, vợ chồng anh quyết định sắm bộ loa máy cũ và chiếc micro để đi hát rong kiếm sống.
Hàng ngày, từ tờ mờ sáng, họ lại mang theo cây đàn, bộ loa máy cũ, dắt nhau vào trung tâm thành phố Vinh hát rong. Hôm thì đi bộ, hôm thì chị chở anh bằng chiếc xe đạp cà tàng. Mặc dù mắt bị mờ nhưng nhờ sự luyện tập, chị Hương có thể đi lại, làm việc nhờ chút ánh sáng lờ mờ còn lại trên đôi mắt và cảm giác từ đôi tai.
Nhớ lại lần đầu tiên cất tiếng hát trên vỉa hè, hai anh chị đều nghẹn lời khi vô tình nghe được lời mắng nhiếc của những người qua đường. “Thỉnh thoảng gặp một vài nhóm thanh niên trong quán cà phê, sau khi nghe hát đã yêu cầu chủ quán đuổi chúng tôi đi. Một số lại nói móc mỉa khiến vợ chồng tôi đau lòng đến phát khóc, muốn đập ngay cây đàn và bỏ về. Nhưng nghĩ đến hai con đang chờ mang gạo về, hai vợ chồng lại động viên nhau đi tiếp”, chị Hương tâm sự.
“Nào ai muốn mưu sinh bằng nghề hát rong, nhưng mình phải sống, phải lo cho con cái, mẹ già... Vả lại, mình lao động bằng sức lực của mình, và cũng vất vả, khó khăn lắm chứ. May mắn cho chúng tôi là những lời mắng nhiếc ấy chỉ là thiểu số”, anh Ngữ tiếp lời vợ.
Với quyết tâm như vậy, những bài ca, tiếng hát đã cất lên ở các quán cà phê sáng, quán cơm trưa. Vỉa hè thành phố Vinh trở thành chốn trú chân, cây đàn cùng bộ loa cũ kỹ trở thành nơi gửi gắm ước mơ, nơi chia sẻ hạnh phúc và cũng là “cần câu cơm” của đôi vợ chồng mù. Đến khi thành phố đã lên đèn, họ lại dắt nhau trở về mái nhà nhỏ. Nơi ấy, có mẹ già và hai đứa con thơ đang ngóng chờ...