Vietnam Single Tim Ban Bon Phuong  


HOME  -  FORUM  -  REGISTER  -  MY ACCOUNT  -  NEW  PHOTOS  -  BROWSE  -  SEARCH  -  POEM  -  ECARD  -  FAQ  -  NCTT  -  CONTACT



Diễn Đàn
 Những chủ đề mới nhất
 Những góp ý mới nhất
 Những chủ đề chưa góp ý

 
NCTT Những chủ đề mới nhất

NCTT Những góp ý mới nhất
NCTT Website


Who is Online
 

 

Forum > Y khoa, đời sống >> Đường lên đỉnh Olympia bị xì căng đan...Thiên vị.!

 Bấm vào đây để góp ý kiến

1

 tritinbelieve
 member

 ID 47485
 Status: 

 11/22/2008



Đường lên đỉnh Olympia bị xì căng đan...Thiên vị.!
profile - trang ca nhan  posts - bai da dang  email -goi thu   Thong bao bai viet spam den webmaster  edit -sua doi, thay doi edit -sua doi, thay doi  post reply - goy y kien
Tôi còn nhớ năm 2000, ngay sau khi Trần Ngọc Minh (chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, Vĩnh Long) giành vòng nguyệt quế đầu tiên. Cả thị xã này nô nức như thể đội tuyển VN vừa vô địch would cup. Mấy năm sau,có cậu học trò đoạt giải nhất vòng thi quý.Anh ấy gọi điện từ quê vào, cũng hét lên sướng như thế.

“Đường lên đỉnh Olympia” là một trong những chương trình truyền hình nổi tiếng nhất VN về lượng khán giả và cả về uy tín, chất lượng. Có thể nói không một người xem truyền hình nào chưa từng xem nó. Đến mức thí sinh đi thi nghiễm nhiên được dư luận địa phương coi là niềm tự hào của tỉnh nhà. Đến mức các báo lớn đều cử phóng viên theo dõi trận chung kết và cử phóng viên về tận trường, tận nhà thí sinh thắng cuộc để phỏng vấn, viết bài. Đến mức mà người đội vòng nguyệt quế vinh quang như ngày xưa đỗ trạng nguyên còn người dẫn chương trình nghiễm nhiên là người của công chúng.

Thương hiệu và uy tín của cuộc chơi tri thức này đã gắn chặt với thương hiệu và uy tín của VTV.

Vì thế, cư dân mạng đã bất bình sau khi đọc bài viết "Sự thật về chương trình “Đường lên đỉnh Olympia” được cho là Copy từ blog thầy Tuấn - thầy giáo dạy toán trường PTTH Chuyên Bắc Giang. Trong bài, tác giả cho biết người dẫn chương trình Nguyễn Hữu Việt Khuê (cũng nguyên là thầy giáo dạy toán), đã công khai thiên vị. Theo đó Việt Khuê đã chèn ép thí sinh các đội Bình Thuận, Phú Yên, Bắc Giang để nâng đỡ cho thí sinh Hà Nội. Nhiều lần những thí sinh trên bấm nút trước nhưng không được trả lời với lý do là nhiều người cùng bấm thì máy treo. Khi Chí Thiện (Bình Thuận) bấm nút và hiện tên trên màn hình thì anh MC này trả lời "vì em bấm cuối cùng". Lý do trước mâu thuẫn với lý do sau và xâu chuỗi cho thấy sự thiện vị khó có thể chấp nhận.

Chưa một tờ báo nào lên tiếng.

Nhiều người vẫn cho rằng cái gì báo chưa đăng thì không sao. Tôi nghĩ đó là một cách nghĩ sai. Khán giả của "Đường lên đỉnh Olympia" đa số đồng thời là cư dân mạng. Nhiều sự kiện từ cuối năm 2007 cho đến nay đã cho thấy áp lực từ dư luận, thông qua internet là rất lớn. Một vụ việc rùm beng như thế, với một chương trình nổi tiếng như thế, của một cơ quan truyền thông lớn nhất nước, chắc chắn không thể là chuyện nhỏ. Nó đặt uy tín VTV trước nguy cơ sứt mẻ.

Sáng nay, có tin nhóm thực hiện chương trình Olympia cũng đã gửi công văn phản đối đi nhiều nơi. Tuy nhiên tôi ngạc nhiên rằng công văn phản đối trên- nếu có- sao không đăng hẳn lên website VTV?

Chưa biết nội dung bài viết trên đúng sai dến đâu, nhưng tôi nghĩ, VTV cần kiểm tra kỹ những phản ứng của dư luận trước khi quyết định phát sóng chương trình này (dự kiến phát trong dịp tết). Nếu thông tin trên sai, do người viết cay cú ăn thua đội mình, đội bạn thì kịp thời điều chỉnh dư luận và yêu cầu tác giả bài viết trên chịu trách nhiệm. Nếu bài viết ấy đúng thì cần xử lý người của Đài.

Cần kịp thời, rõ ràng và sòng phẳng, bởi khán giả có quyền đòi hỏi sự tôn trọng tương xứng từ VTV.

Kí bút







Alert webmaster - Báo webmaster bài viết vi phạm nội quy
 

 goldsnow142
 member

 REF: 405970
 11/22/2008

  profile - trang ca nhan  posts - bai da dang  email - goi thu  Thong bao cam nhan spam den webmaster  edit - sua bai, thay doi  edit - sua bai, thay doi post reply - goy y kien, dang bai



Ý kiến của lãnh đạo Đài THVN về buổi ghi hình Đường lên đỉnh Olympia ngày 2/11/2008

Sau nhiều lần làm việc với những người thực hiện buổi ghi hình chương trình Đường lên đỉnh Olympia ngày 2/11/2008, Phó Tổng Giám đốc Thường trực Đài Truyền hình Việt Nam - TS. Trần Đăng Tuấn đã giành cho VTV.vn một cuộc phỏng vấn. Sau đây là bài phỏng vấn TS. Trần Đăng Tuấn - Phó Tổng Giám đốc Thường trực Đài Truyền hình Việt Nam về buổi ghi hình Đường lên đỉnh Olympia ngày 2/11/2008.


Được biết, ngay sau khi có thông tin về bài viết trên blog của ông Nguyễn Anh Tuấn (Trường THPT Chuyên Bắc Giang) về chuyện “gian lận” trong buổi ghi hình cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia tối 2/11/2008, ông đã làm việc nhiều lần với những người thực hiện buổi ghi hình ?

- Từ tối 19/11, sau khi biết chuyện (từ cộng đồng mạng, vì cho đến ngày đó tôi công tác ở ngoài Hà Nội nên chưa được báo cáo từ đơn vị), tôi đã tìm đọc bài viết của ông Nguyễn Anh Tuấn và khối lượng khá lớn các thông tin, ý kiến xung quanh bài viết đó trên Interrnet. Tôi nhận thấy đây là việc phải làm rõ ngay. Sau khi có hình dung khá rõ về dư luận, trong hai ngày qua, chúng tôi đã làm việc với các cán bộ làm chương trình, kể cả người phụ trách, người làm nội dung và người chịu trách nhiệm về quy trình kỹ thuật của buổi ghi hình.Chúng tôi đã rà soát từng chi tiết các sự cố gây nghi ngờ trong buổi ghi hình đó để xác định nguyên nhân.

Cho đến giờ, các nguyên nhân được làm rõ là gì?

Các nghi vấn liên quan đến hai trường hợp trả lời câu hỏi của các thí sinh:
- Câu hỏi thứ nhất là trong phần Khởi động. Ở phần này trả lời đúng mỗi câu hỏi sẽ được 10 điểm. Riêng thí sinh Nguyễn Hoàng Hải có một câu hỏi không trả lời được, nhưng đã được cho cơ hội trả lời lại với một câu hỏi khác. Lý do là câu hỏi đầu đã trùng với câu hỏi được dùng rồi trong buổi ghi hình trước.Câu hỏi thay thế này thí sinh trả lời được, và do đó được 40/60 điểm. Nếu không được thay câu hỏi, điểm của thí sinh có thể chỉ là 30/60 điểm.
Về nguyên tắc, các câu hỏi dùng cho “Đường lên đỉnh Olympia” không được lặp lại để bảo đảm khách quan khi đánh giá kiến thức của thí sinh. Do vậy câu hỏi được dùng rồi – nhất là mới được dùng không lâu- không được có mặt trong các cuộc thi sau đó. Nguyên tắc này áp dụng không chỉ trong “Đường lên đỉnh Olympia”, mà còn trong nhiều trò chơi khác. Ví dụ trong “Ai là triệu phú", có một phần mềm tự động loại các câu hỏi dùng rồi ra khỏi ngân hàng các câu hỏi. Chương trình “Đường lên đỉnh Olympia” không có phần mềm hỗ trợ tương tự và phải lọc thủ công. Nhóm biên tập đã bỏ sót câu hỏi dùng rồi trong danh mục 86 câu hỏi sử dụng cho cuộc thi tối 2/11, và câu hỏi đó tình cờ rơi vào em Hoàng Hải. Đạo diễn đã quyết định thay câu hỏi bằng một câu hỏi khác có độ khó tương đương .

Đây là sai sót của nhóm làm chương trình. Sai sót đó là không chủ ý , nhưng khách quan mà nói, đã làm sai lệch 10 điểm có lợi cho thí sinh Hoàng Hải. Đây chỉ là vòng khởi động, 10 điểm trong cuộc thi hôm đó không có ý nghĩa quyết định cho thắng lợi của Hoàng Hải, nhưng điều đó cũng không có nghĩa là không gây ra ảnh hưởng nào đó đến kết quả thi. Vì ở đây còn có vấn đề tâm lý của thí sinh khác có thể bị ảnh hưởng.

- Câu hỏi thứ hai thuộc phần thi Vượt chướng ngại vật. Tại câu hỏi này sự cố đã nảy sinh khi trong lần bấm thứ nhất của các thí sinh, đạo diễn đã không xác định được ai là người có quyền trả lời đầu tiên. Sau đó buộc phải để các em bấm lại sau hiệu lệnh đếm ngược, nhưng cũng phải đến lần bấm thứ tư mới kết thúc . Đây là mối nghi ngờ lớn nhất của thầy giáo Nguyễn Anh Tuấn, vì thầy cho rằng theo nguyên tắc, người bấm trước sẽ hiện tên lên màn hình, và không ai bấm sau được nối tín hiệu nữa, như vậy không thể có vấn đề phải bấm lại như vậy. Thầy Tuấn cho rằng có sự cố ý để Hoàng Hải được trả lời trước.

Về điểm này, ông Nguyễn Anh Tuấn đã có sự nhầm lẫn: Đúng là hai năm trước đây, các thí sinh bấm nút thì chỉ có tín hiệu của người bấm đầu tiên được hiển thị, và đó là người được trả lời. Nhưng hiện nay luật chơi đã thay đổi được hai năm: Tín hiệu bấm của cả 4 thí sinh đều được truyền về máy chủ và hiển thị thành tên người bấm lên màn hình, đồng thời được ghi vào băng. Ai bấm trước thì tên người đó hiển thị trước, người bấm sau tên hiển thị thay thế tên trước. Trên màn hình sẽ dừng lại ở tên người bấm cuối cùng. Thay đổi này thực ra là để xác định trong một lần bấm thứ tự nhanh chậm của cả 4 thí sinh. Sau đó nếu người trả lời trước không đưa ra được câu trả lời đúng thì người kế tiếp được quyền trả lời.

Gặp câu hỏi nhiều thí sinh trả lời nhanh được, các tín hiệu bấm chồng lên nhau rất nhanh, bằng mắt thường khó xác định nổi. Do đó, đạo diễn thường phải dùng cách chạy ngược băng chậm từng khuôn hình để xác định tên nào hiện trước.
Sự cố đã xảy ra khi một thành viên của êkip làm chương trình do lỗi thao tác đã báo rằng chưa kịp ghi tín hiệu đồ họa vào băng, và nếu thế sẽ rất khó xác định ai bấm trước khi cả 4 thí sinh hầu như cùng một lúc bấm tín hiệu. Do đó đã buộc phải cho bấm lại theo hiệu lệnh của MC. Ở đây cũng có lỗi của MC khi tự ý nói “treo máy” (MC ở dưới studio và chưa kịp biết tường tận các chi tiết trên buồng đạo diễn).

Nếu có những nghi ngờ, tất cả những việc này có thể kiểm tra qua thực tế tham quan vận hành trên trường quay và xem băng gốc ghi hình cuộc chơi.
Nói tóm lại, các sự cố xảy ra xuất phát từ một số nguyên nhân mang tính kỹ thuật và sơ suất khâu chuẩn bị. Không có sự gian dối như ông Nguyễn Anh Tuấn viết.

Nhưng chúng tôi được biết, trong khi làm việc với nhóm làm chương trình, ông đã có những phê phán khá gay gắt ?

- Có điều đó, nhưng không phải là về vấn đề liên quan đến thiên vị hay thiếu công bằng trong công việc của họ. Tôi biết những người chủ chốt của chương trình này không chỉ một năm. Họ là những người trung thực, nhiệt tâm, lăn lộn với công việc. Việc rà soát các sự cố cho thấy các nguyên do ở dạng khác. Chúng tôi đã thẳng thắn với nhau về những điểm sau:

- Tổ chức cuộc thi, phải tiến hành sao cho không có sự cố, hoặc nếu có thì ở mức hiếm hoi. Trong một chương trình mà có đến mấy thời điểm gặp sự cố thì đương nhiên công việc có lỗi, dẫu cho không phải là chuyện về đạo đức nghề nghiệp, mà là kỹ thuật tác nghiệp thì cũng có hậu quả không tốt.

- Cụ thể ra, thiết kế về kỹ thuật có vấn đề. Nó phục vụ đạo diễn, rõ ràng với đạo diễn, nhưng chưa có cách hiển thị kết quả rõ ràng, đơn giản, dễ theo dõi cho người tham gia chơi và người cổ vũ. Cần thiết kế lại để người ở Studio thấy rõ ràng kết quả như là người làm chương trình. Việc này cần có thời gian, nhưng phải tích cực làm.

- Khi có sự cố, cách xử lý, cách nói năng, giải thích chưa tốt, có những lúc giải thích chưa chính xác. Lẽ ra phải làm người chơi hiểu rõ, không căng thẳng, không ức chế. Nếu có sự cố kỹ thuật gây căng thẳng tâm lý cho người chơi thì cần bình đẳng thảo luận với thí sinh, với các thầy để thống nhất cách “làm lại từ đầu” thỏa đáng nhất. Như vậy mới là phẩm cấp chuyên nghiệp của người tổ chức trò chơi.

Nói tóm lại, điều mà tôi và các đồng nghiệp của tôi sau khi nghiêm túc tự kiểm điểm việc thực hiện cuộc thi tối 2/11, đã nhất trí là: Chúng ta không gian lận, hoàn toàn không một chút thiên vị ai, nhưng chúng ta đã để xảy ra sự cố, do cả lỗi đạo diễn, lỗi biên tập, lỗi của MC. Gian dối, thiên vị thì tất nhiên là làm sai lệch kết quả. Nhưng kể cả không có lỗi loại đó, mà lỗi có tính chất tác nghiệp cũng có thể ảnh hưởng đến kết quả cuộc thi. Cần kiên quyết nhìn nhận điều này, cần kiểm tra lại toàn bộ băng hình, họp với các cố vấn, hỏi ý kiến các trường, các em học sinh. Nếu do các sự cố đã xảy ra mà người thắng, người thua đều chưa thấy thoải mái, thì mục tiêu buổi chơi chưa đạt được. Trong trường hợp đó hãy kiên quyết hành động trên tinh thần cầu thị, kể cả tổ chức chơi lại buổi đó. Điều này không có nghĩa là tố cáo của ông Nguyễn Anh Tuấn về chuyện có “gian dối” là đúng, mà chỉ có nghĩa chúng ta sẵn sàng làm lại việc chúng ta đã làm chưa chu đáo vì mắc lỗi nghiệp vụ .

Về các phê phán rất gay gắt của ông Nguyễn Anh Tuấn trên blog, ông có ý kiến gì?

- Ở đây có hai vấn đề rất khác nhau.

Thứ nhất, như tôi nói, rõ ràng đã có sự cố. Mà có sự cố thì người ta có thể nghi ngờ. Các trường có học sinh dự cuộc thi, bản thân các em học sinh dự cuộc chơi, hay bất cứ ai khác đều có quyền chất vấn, đòi giải thích. Cao hơn nữa có thể khiếu nại, có thể nêu ý kiến của mình, kể cả trên các phương tiện thông tin đại chúng, hoặc trên các kênh thông tin khác. Sẽ là tốt hơn nếu ông Nguyễn Anh Tuấn trực tiếp gặp người của chương trình tại Đài, gặp lãnh đạo đơn vị hoặc lãnh đạo Đài để làm rõ vấn đề. Chắc chắn chúng tôi sẽ rất chú ý lắng nghe ông hoặc bất cứ ai khác. Nhưng ông Tuấn không làm vậy mà đưa ra ý kiến trên blog cũng là quyền của ông Tuấn. Kể cả bây giờ, các bộ phận liên quan ở Đài sẵn sàng và muốn được trực tiếp làm việc với đại diện nhà trường, với ông Tuấn để cùng xem xét trên thực tế, thảo luận để làm rõ mọi nghi ngờ về chuyện có gian lận, cố ý thiên vị.

Thứ hai, các sự cố ông Nguyễn Anh Tuấn nêu ra là có, nhưng trong các nhận định, kết luận, bình luận của ông Nguyễn Anh Tuấn trên blog (ông Tuấn đã xóa, nhưng ở môi trường Interrnet, bỏ điều mình viết đi không phải dễ như tờ giấy viết ra rồi vò xé vất đi là xong) có những cái không thể bỏ qua, mà cần có sự đối thoại nghiêm túc. Nó liên quan không chỉ đến danh dự của các cá nhân, mà danh dự của tập thể, của tổ chức, nó liên quan đến niềm tin của nhiều triệu học sinh về một sân chơi gần gũi với họ gần chục năm qua. Nó liên quan đến việc cộng đồng mạng- một sức mạnh dư luận ghê gớm- đã nhận được những thông tin và kết luận đúng hay không đúng từ ông đối với những người làm việc ở VTV. Chất vấn, yêu cầu phải xem xét các sự việc xảy ra là một chuyện, còn quy kết, lăng mạ lại là chuyện khác. Là một giáo viên, tôi nghĩ ông Nguyễn Anh Tuấn nên cùng chúng tôi xem xét nghiêm túc, thẳng thắn vấn đề này.
Nhưng trước hết, chúng tôi muốn ông Tuấn trực tiếp tham quan tại chỗ các quy trình kỹ thuật để kiểm định những thắc mắc, nghi ngờ cụ thể về các sự cố trong buổi ghi hình 2/11 ông đã nêu. Tức là theo khía cạnh thứ nhất nêu ở trên.

Xin cảm ơn ông!


Ý kiến của nhóm làm chương trình “Đường lên đỉnh Olympia” về bài viết trên blog của ông Nguyễn Anh Tuấn


Thời gian gần đây, tuy không chính thức nhưng Đài Truyền hình Việt Nam đã nhận được những ý kiến của một số cư dân mạng về bài viết của thầy giáo Nguyễn Anh Tuấn, trường Phổ thông Chuyên Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang về cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia số 38 đã được ghi hình vào ngày 2/11/2008 và dự kiến phát sóng vào dịp Tết Nguyên Đán Kỷ Sửu - 2009. Trước những lời đánh giá và bình luận của thầy giáo Tuấn và cũng để rộng đường dư luận, chúng tôi xin được thông tin về sự việc như sau.

Trích từ bài ông Nguyễn Anh Tuấn viết trên blog của ông Nguyễn Anh Tuấn(Trường THPT Chuyên Bắc Giang ):

Chương trình này quay để phát trong dịp Tết Nguyên Đán - Kỷ Sửu 2009, cho nên có sự giả dối ở đây là các cây hoa Đào và hoa Mai giả xếp quanh trường quay, thí sinh Hoàng Hải giả vờ là đang dịp… sinh nhật và nhiều điều giả dối còn… khốn nạn hơn thế!

Vòng khởi động, Chí Thiện và Hoàng Hiệp thi tốt đẹp, mỗi em được 40/60 điểm. Đến lượt “người Hà Nội” (NHN) thi thì đến câu thứ 4 em này không trả lời được, người dẫn chương trình Nguyễn Hữu Việt Khuê (VK) phán “Câu này đã phát rồi nên phải hỏi lại với câu hỏi khác…” - Một câu nói thật hết sức vô lý? Sau đó NHN cũng được 40/60 điểm…

Đến vòng thi ô chữ vượt chướng ngại vật thì sự khốn nạn đã lộ rõ…
VK nói “Các em bấm quá nhiều nên bị treo máy…” (?) Một câu nói rất vô lý, với một chương trình trí tuệ này không thể xảy ra điều đó, mà lại xảy ra ở trường quay của cái gọi là Đài THVN? Người ngu nhất cũng hiểu rằng nếu có một thí sinh đã bấm thì các thí sinh còn lại bấm cũng bằng… không .Phải chăng đây là sự cố ý của nhà Đài để làm những chuyện khuất tất?

Và cứ như vậy 3 lần anh chàng VK này nói như thế khi thấy trên màn hình là tên Hoàng Hiệp và Chí Thiện dừng lại? Anh ta còn dọa Hoàng Hiệp "Em có muốn thi hay dừng chơi, tôi nói là 5 giây bắt đầu mới được quyền bấm chứ…", một thái độ không thể chấp nhận được. Anh ta là cái quái gì mà cấm thí sinh dừng chơi?
Lần thứ 4 máy dừng lại ở chữ… Chí Thiện nhưng VK bảo Hoàng Hải đã bấm chuông (?). Chí Thiện thắc Mắc “Sao màn hình báo tên em mà anh lại bảo là Hoàng Hải”. VK trả lời không biết ngượng rằng “Tên em hiện lên là do em bấm… cuối cùng” (?) Người ngu nhất cũng hiểu rằng vậy là VK nói điêu, vì ban nãy anh ta bảo bấm nhiều treo máy và dọa thí sinh - điều không thể chấp nhận với một người dẫn chương trình, bây giờ bấm nhiều thì không treo máy (?) mà là… hiện tên người bấm cuối cùng. Vậy cứ cho là đúng đi thì làm quái gì mà biết được em nào bấm đầu tiên? Khốn nạn, khốn nạn hết chỗ nói!

Ý kiến của nhóm thực hiện chương trình Đường lên đỉnh Olympia:

Trước hết, cuộc thi tháng giữa bốn thí sinh: Chí Thiện của trường THPT Bắc Bình - tỉnh Bình Thuận; Hoàng Hiệp của trường THPT Chuyên Bắc Giang - tỉnh Bắc Giang; Hoàng Hải của trường THPT Chuyên Amsterdam - Hà Nội và Ngọc Thảo, trường THPT Chuyên - tỉnh Phú Yên dự kiến được phát vào dịp Tết. Nếu ghi hình đúng dịp Tết thì tốt nhất. Nhưng, vì điều kiện cơ sở trường quay thiếu nên việc ghi hình trước là việc thường xuyên phải làm của nhiều chương trình truyền hình. Trong đó, trang trí cho phù hợp bối cảnh phát sóng là điều từ trước đến nay người tham dự và khán giả trường quay đều hiểu và chấp nhận. Thật tiếc là thầy giáo Tuấn gom cả sự việc này để nói tới sự giả dối mà thầy muốn nhấn mạnh: “có sự giả dối ở đây là các cây hoa Đào và hoa Mai giả xếp quanh trường quay”.

Cũng rất tình cờ, hôm ghi hình đúng là dịp sinh nhật của em Hoàng Hải. Việc giao tiếp về dịp sinh nhật trong lời giới thiệu của em Hải là bình thường, có tính chất gây không khí trong lúc ghi hình. Với chi tiết này, trong băng thành phẩm sẽ không đưa chuyện này vào vì khi phát thì không phải dịp sinh nhật của em Hải. Không phải chi tiết giao tiếp nào lúc ghi hình cũng được phát sóng, nên không có sự “giả vờ” nào như thầy Tuấn đã kết luận.

Mặc dù các thí sinh, các trường và cá nhân thầy Tuấn không có bất cứ liên lạc trực tiếp nào với chương trình để chúng tôi có cơ hội giải đáp nhưng, những kết luận và ý kiến cá nhân mà thầy đã đưa lên Internet (thông qua blog cá nhân) và cũng đã xuất hiện trên nhiều diễn đàn có nhiều quy kết không đúng , gây ảnh hưởng không tốt đến các thí sinh, chương trình cũng như Đài THVN. Nhân đây, chúng tôi cũng xin nói lại cho rõ.

Thầy Tuấn có thắc mắc ở vòng thi Khởi động: “Chí Thiện và Hoàng Hiệp thi tốt đẹp, mỗi em được 40/60 điểm. Đến lượt “người Hà Nội” (NHN) thi thì đến câu thứ 4 em này không trả lời được, người dẫn chương trình Nguyễn Hữu Việt Khuê (VK) phán “Câu này đã phát rồi nên phải hỏi lại với câu hỏi khác…” - Một câu nói thật hết sức vô lý? Sau đó NHN cũng được 40/60 điểm…

Cuộc thi số 38 này là cuộc ghi hình thứ 13 và là cuộc cuối cùng trong đợt ghi hình thứ 3 của chương trình. Do sơ suất, nên câu hỏi Khởi động của Hoàng Hải đã được hỏi trong chương trình thứ 37 của chương trình. Chính bởi vậy, thí sinh phải trả lời lại. Sự cố này hoàn toàn do lỗi của những người biên tập chương trình.

Đi sâu vào qui trình tổ chức câu hỏi của chương trình, mỗi lĩnh vực sẽ có một ngân hàng (bank) câu hỏi. Câu hỏi nào đã dùng rồi sẽ bị loại khỏi bank. Việc này được làm thủ công (không có phần mềm hỗ trợ như Ai là triệu phú). Do sơ suất nên câu hỏi trên vẫn còn trong bank câu hỏi còn lại và được xếp vào kịch bản 38. Mỗi kịch bản của OLPA có 86 câu hỏi, được ban Cố vấn duyệt từ trước và xem lại lần nữa trước khi ghi hình. Nhưng do số lượng câu hỏi quá nhiều, cả nhóm biên tập và ban cố vấn đều không phát hiện ra điều này. Nhưng ngay khi phát hiện câu hỏi đã dùng rồi, chương trình đã dừng để thay một câu hỏi khác trong cùng lĩnh vực, cùng độ khó trong bank và em Hải trả lời đúng. Mặc dù trước đó em Hải đã trả lời sai, nhưng những sự cố về câu hỏi như: câu hỏi bị trùng (như trong trường hợp này), hoặc các cố vấn có ý kiến khác nhau, chương trình đều phải thay một câu hỏi khác có độ khó tương đương và cùng lĩnh vực.
Đây là sự cố mà chúng tôi xin nhận hoàn toàn trách nhiệm về sai sót của mình.
Trong bài viết của mình, thầy giáo Tuấn cũng đưa ra nghi vấn ở vòng thi ô chữ Chướng ngại vật: Tại sao lần bấm đầu không xác định được? Ai là người bấm trước?

Quả thật, đây là một vấn đề thuộc về kĩ thuật và phần mềm được thiết kế cho chương trình. Là người thiết kế phần mềm và chịu trách nhiệm kĩ thuật vi tính - đồ hoạ trong chương trình, kĩ sư Nguyễn Duy Bình và Nguyễn Tuấn Anh xin được giải thích đến quí vị khán giả như sau:

Trước đây, việc xác định ai bấm trước làm theo cách khi một học sinh đã bấm thì ba học sinh còn lại dù có bấm cũng không có tín hiệu truyền nữa vì đã bị ngắt (khi một mạch kín thì ba mạch ngắt). Nhưng hiện nay, Luật chơi của việc trả lời CNV là: Thí sinh có quyền trả lời CNV bất cứ lúc nào. Thí sinh nào có tín hiệu trước được trả lời trước (bằng cách click chuột vào một ô trên màn hình của thí sinh), bấm sau trả lời sau nếu thí sinh trước chưa có câu trả lời đúng. Nếu trả lời đúng, thí sinh được điểm và phần VCNV dừng lại. Nếu trả lời sai, quyền trả lời CNV sẽ dành cho thí sinh bấm nhanh kế tiếp.

Nếu theo nguyên tắc nhận 1, ngắt 3 thì không có kết quả thứ tự nhanh chậm 1-2-3-4 để cho người kế tiếp và phải làm lại từ đầu để xác định ai trong ba người còn lại sẽ trả lời. Như vậy rất mất thời gian và Ban tổ chức đã thay đổi luật chơi đã gần 2 năm nay. Vì lý do trên nên bộ phận kĩ thuật của chương trình đã thiết kế các đường tín hiệu của 4 thí sinh đều được chuyển đến phòng đạo diễn. Tín hiệu được thể hiện đồ họa (tên thí sinh bấm trước hiện trước, tên thí sinh bấm sau hiện sau) và được ghi vào băng ghi hình. Bằng mắt thường nhìn đồ họa, nếu các thí sinh bấm liên tục, cách nhau chỉ phần trăm, phần chục giây thì hầu như không thể kịp nhận biết, đạo diễn phải dùng kỹ thuật xem băng chậm (dò từng khuôn hình) để xác định tên hiện đầu tiên.

Trong cuộc ghi hình này, đạo diễn hình thông báo không lấy được hình tín hiệu xin trả lời CNV (tức là chưa kịp ghi vào băng), đồng thời kỹ thuật vi tính (anh Nguyễn Tuấn Anh) thông báo không xác định được ai là người có tín hiệu trước do trong cùng 1 giây các em đồng loạt click chuột. Nếu dừng lại để kiểm tra mọi khâu thì mất nhiều thời gian chờ đợi. Vì vậy, đạo diễn chương trình yêu cầu MC cho các em bấm lại sau khẩu lệnh: 5, 4, 3, 2, 1, bắt đầu. Đây là cách xử lý thông thường trong những trường hợp như thế này.
Nếu so sánh với “Ai là triệu phú” thì chương trình “Ai là triệu phú” nhập khẩu hoàn toàn thiết bị và phần mềm bấm trả lời nên có hoàn thiện hơn, mặc dù cũng không tránh khỏi có lúc xảy ra sự cố kỹ thuật (treo máy nhiều lần, nhất là khi thiết bị mòn, cũ).

Khi đề nghị các em bấm lại sau hiệu lệnh, do quá nôn nóng nên 2 lần các em “cướp cò”, bấm trước khẩu lệnh “bắt đầu” của MC. Câu nói của MC chính xác là: “Tôi đã nói là 5 giây và bắt đầu thì mới được bấm cơ mà. Bạn nào mà bấm trước là sẽ bị loại khỏi cuộc chơi đấy!”. Về việc này, MC đã nhận lỗi rút kinh nghiệm vì cách nói thiếu bình tĩnh của mình.
Ở lần bấm hợp lệ, chúng tôi đã ghi hình được người bấm nhanh nhất là em Hoàng Hải, tiếp theo là Hoàng Hiệp, chậm nhất là Chí Thiện và đã cho Hoàng Hải trả lời.

Nguyên nhân tên Chí Thiện trên bảng vào lúc cuối, nhưng Hoàng Hải lại là người được xác định đã bấm trước:
Điều này thực sự đã gây hiểu lầm rất lớn về phía thí sinh Thiện và thầy Tuấn. Thực tế, hệ thống dựa trên nguyên tắc cả bốn đường tín hiệu người bấm nhanh hay chậm đều truyền đến phòng đạo diễn. Người chơi nào có tín hiệu trả lời trước, máy chủ sẽ nhận được và đồng thời sẽ hiển thị tên của người chơi đó trên đồ họa (tên người). Trong trường hợp hơn một người có tín hiệu trả lời Chướng Ngại Vật thì người nào trả lời đầu tiên sẽ hiện trước, người trả lời sau hiện sau và trên đồ họa sẽ dừng lại ở tên người gửi tín hiệu cuối cùng. Trong cuộc chơi 2/11/2008 Chí Thiện là người gửi tín hiệu cuối nên tên hiệu cuối cùng là của Chí Thiện.

Khi đó, thắc mắc của Chí Thiện đã được MC giải thích và cuộc thi tiếp tục cho đến khi hết chương trình và không có gì đáng tiếc khác xảy ra. Hiện, băng ghi hình gốc vẫn ghi nhận toàn bộ thứ tự tên xuất hiện.
Trong một cuộc tranh tài trí tuệ và căng thẳng như Đường lên đỉnh Olympia, từ trước đến nay, đã từng có rất nhiều lần tranh cãi, thậm chí là khiếu kiện liên quan đến Đường lên đỉnh Olympia. Tuy nhiên tất cả đều được tiến hành một cách công khai, bằng văn bản do người có thẩm quyền của trường có học sinh tham dự gửi đến và chúng tôi luôn trả lời trước công luận về các sự việc được nêu. Cuộc thi này khá phức tạp về chuẩn bị nội dung và về thao tác, phân định, nên nhóm làm chương trình không tránh khỏi các sơ suất. Chúng tôi thành thật xin lỗi người chơi cũng như tất cả mọi người vì những sai sót kỹ thuật hoặc sai sót về nội dung biên tập.

Đây là lần đầu tiên, trong và sau buổi ghi hình chương trình, ban cố vấn và những người thực hiện chương trình không nhận được bất kì phản ánh nào của các thí sinh, khán giả, các thầy cô giáo đại diện các trường mà một cá nhân dùng blog của mình để lăng mạ và vu cáo chương trình thiên vị, ăn “đôla” và xử ép thí sinh. Thậm chí, chỉ từ một sự việc bức xúc, thầy giáo Tuấn đã đưa ra những kết luận rất cực đoan về Đài Truyền hình Việt Nam. Tốc độ phát tán của bài viết này rất nhanh và tạo nên một luồng dư luận không tốt, thậm chí đã có nhiều diễn đàn kêu gọi tẩy chay chương trình, giới học sinh, giáo viên và khán giả rất hoang mang.

Ngay khi biết có bài viết này, nhóm biên tập đã liên lạc với hiệu trưởng trường chuyên Bắc Giang, thông báo việc thầy giáo Tuấn viết trên blog với lời văn lăng mạ chương trình, không đúng với thái độ cần có của một người dạy học. Chúng tôi cũng yêu cầu nhà trường nếu như có bất cứ sự khiếu kiện nào, xin thông báo bằng văn bản để cùng bàn bạc. Thầy hiệu trưởng trả lời rằng không biết việc làm của thầy Tuấn nhưng xin lỗi chương trình và sẽ yêu cầu thầy Tuấn chính thức xin lỗi chương trình cũng như xóa bài trên blog.

Bất cứ ai đã đọc bài viết cũng như các câu viết thêm ở dạng văn vần sau bài viết của thầy Tuấn đều thấy từ những sự cố cụ thể trong một cuộc chơi tại trường quay S9, thầy Tuấn đã mở rộng các lời - thực chất là chửi rủa- ra một biên độ rất rộng. Xin đưa ví dụ cụ thể những câu đã được thầy Nguyễn Anh Tuấn viết ra:

Chúng tưởng là chúng rất to
Chương trình vô học cũng cho lên Đài
Người dân chỉ biết thở dài
Vì chúng là lũ nhà Đài ngu lâu.
Chúng làm vì có..”tiền đâu”
Chúng làm vì lý do đầu: Đô-la
Người dân xin hãy nghe nha
Chúng làm cũng chỉ, chẳng qua vì TIỀN !
................
Cuộc sống có lắm đảo điên
Quốc Hội mới họp triền miên thế này.


Mặc dù rất thất vọng và bị xúc phạm nặng nề từ thầy Nguyễn Anh Tuấn, chúng tôi vẫn mong muốn có cuộc gặp với thầy Tuấn và các thầy cô, các em học sinh của Trường chuyên Bắc Giang tại Đài để trên thực tế tại nơi làm chương trình rà soát lại các chi tiết, trình bày lại các tình huống có thể diễn ra về kỹ thuật, xác định nguyên nhân của các sự cố đã có, nhằm có kết luận đúng bản chất. Làm việc này là để có sự rõ ràng với các em học sinh cũng như khán giả của chương trình Đường lên đỉnh Olympia.

Photobucket

Ban Thể thao, giải trí và thông tin kinh tế đã gửi công văn tới trường THPT Chuyên Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang.


T/M Nhóm làm chương trình
Tổng đạo diễn Nguyễn Tùng Chi.
Các kỹ sư : Nguyễn Duy Bình, Nguyễn Tuấn



 
  góp ý kiến

 
   

  Kí hiệu: : trang cá nhân :chủ để đã đăng  : gởi thư  : thay đổi bài  :ý kiến

 
 

 


Nhà | Ghi danh Thành Viên | Thơ | Hình ảnh | Danh Sách | Tìm | Diễn đàn | Liên lạc | Điều lệ | Music | Link | Advertise

Copyright © 2024 Vietnam Single & Tim ban bon phuong All rights reserved.
Hoc Tieng Anh - Submit Website Today - Ecard Thiep - Hot Deal Network