Vietnam Single Tim Ban Bon Phuong  


HOME  -  FORUM  -  REGISTER  -  MY ACCOUNT  -  NEW  PHOTOS  -  BROWSE  -  SEARCH  -  POEM  -  ECARD  -  FAQ  -  NCTT  -  CONTACT



Diễn Đàn
 Những chủ đề mới nhất
 Những góp ý mới nhất
 Những chủ đề chưa góp ý

 
NCTT Những chủ đề mới nhất

NCTT Những góp ý mới nhất
NCTT Website


Who is Online
 

 

Forum > Y khoa, đời sống >> Cao 80cm, 41 tuổi, xuyên Việt kiếm ăn và tìm tình yêu(ST)

 Bấm vào đây để góp ý kiến

Trang nhat

 nguoihaiduong
 member

 ID 60846
 05/27/2010



Cao 80cm, 41 tuổi, xuyên Việt kiếm ăn và tìm tình yêu(ST)
profile - trang ca nhan  posts - bai da dang  email -goi thu   Thong bao bai viet spam den webmaster  edit -sua doi, thay doi edit -sua doi, thay doi  post reply - goy y kien

Những ngày này, ở một số chợ trong thành phố Huế, người dân thường gặp cảnh một người có thân hình của một em bé cỡ 9 - 10 tuổi chống gậy đi bán tăm tre. Thế nhưng khi người ta cúi xuống nhìn mặt, mới thấy "em bé" này mang khuôn mặt của một người lớn tuổi. Hỏi chuyện kỹ, mới biết rằng đây là một phụ nữ tật nguyền, bỏ quê lang bạt mưu sinh khắp nước hơn chục năm nay với hy vọng tìm được một người đàn ông cùng cảnh ngộ.



Hơn 10 năm đi bộ khắp nước

Nguyễn Thị Vân năm nay 41 tuổi, quê ở xã Ninh Khang, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Cô rời quê nhà năm 30 tuổi. Hơn 10 năm qua cô đã đi hơn một vòng chữ S của Tổ Quốc. Bắt đầu từ Ninh Bình ra Hà Nội, rồi quay trở vào Vinh, Quảng Bình, Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn... Và khi gặp tôi, cô mới quay lại Huế được 2 tháng, đang chuẩn bị vào Đà Nẵng. Hành trang cô mang theo chỉ là một cây gậy tre đã lên nước vì mồ hôi, vài bộ quần áo và một chai thuốc nhỏ mắt.

Cô kể lại, lúc sinh ra mình cũng khỏe mạnh như những bạn bè khác cùng lứa. Năm chưa đầy 10 tuổi, sau một cú ngã phải bó bột cả hai chân hai tay, cô thoát chết nhưng từ ngày đó cơ thể không phát triển nữa, chỉ giữ mãi chiều cao chưa đầy 80cm. Cha chết sớm, nhà nghèo đói nên Vân không được đến trường lấy một ngày. Nhà có bảy anh chị em đều đi tha phương cầu thực kiếm ăn qua ngày, chỉ còn một mình cô gái tật nguyền ở nhà cùng mẹ già trong căn nhà dột. Năm 30 tuổi, Vân xin với mẹ: "Con cũng phải đi thôi chứ không thể ở nhà mãi, không thể ăn bám vào mẹ già được nữa. Cứ ở nhà thì lấy gì ăn mà sống".

Vân rời làng, bắt xe ra Hà Nội xin ăn. Cô cho biết mình được nhiều người thương, cho nhiều tiền. Nhưng được một thời gian ngắn Vân bỏ nghề ăn xin. "Ngồi một chỗ chờ người khác cho dăm ba đồng bố thí cũng cảm thấy nhục", Vân lý giải. Nhưng không ăn xin thì phải làm một nghề khác để kiếm sống. Mà với sức vóc như cô thì đâu có nhiều nghề để làm. Dò hỏi những người cùng nhà trọ, Vân biết rằng nghề bán vé số dạo cũng có thể kiếm sống qua ngày mà mình cũng có thể làm được. Cô quyết định theo các bạn lấy vé số mang đi chào bán dạo ngoài đường.

Vào nghề này, mới đầu cô cũng kiếm được kha khá. "Cũng có lẽ vì thân hình mình khá đặc biệt nên nhiều người mua cho", Vân nói. Tuy nhiên, cuộc sống mưu sinh chẳng hề đơn giản, nghề bán vé số không phải ngày nào cũng thuận buồm xuôi gió. Cũng có hôm trời mưa nắng thất thường, vé số bán không được. Đi bán vé số ít lâu Vân mới nhận ra rằng cái nghề trông thì có vẻ nhàn nhưng không phải ai cũng có thể làm được, đặc biệt không phù hợp với thể trạng nhỏ bé, ốm yếu của cô.

Chân cô ngắn nên không thể "bám đuổi" người đi đường, người cô lùn nên không lọt vào tầm mắt của người bình thường. Nghề bán vé số cũng đòi hỏi người bán phải đi những quãng đường dài, thế nhưng với một người có chiều cao chưa đầy 80cm, sải chân chỉ chưa đầy nửa bước chân người khác, có khi cả buổi sáng chỉ đi được chưa đầy một con phố. Đến giờ trả vé, nhiều khi cô gái tật nguyền này có chạy gằn cũng vẫn không trả vé đúng giờ, phải chịu bỏ tiền túi mua những tờ vé còn ế. Theo nghề bán vé số chưa đầy nửa tháng, cô phải bỏ nghề vì lỗ nặng.

Không trụ lại được ở đất Hà Nội, Vân đi nhờ xe vào thành phố Vinh (Nghệ An) làm nghề bán hàng rong, khoác giá gỗ treo các đồ lặt vặt như xăng hộp quẹt, ví da, lược chải đầu... mời chào người mua ở các nơi đông người như nhà ga, công viên. "Người ta thương tình nên thỉnh thoảng cũng có người mua, mỗi ngày cũng kiếm được mươi ngàn đồng", cô kể lại. Thế nhưng vận đen không buông tha cho người phụ nữ này, một lần bán hàng cô bị vấp ngã đập đầu xuống đường, mê man trong bệnh viện nhiều ngày trời. Các anh chị em từ Ninh Bình nhận được tin dữ vào đón em về quê, rồi nhất quyết ngăn không cho em đi lang thang mưu sinh nữa.

Uớc mơ tình yêu

Những ngày trở lại quê, đọc báo nghe đài, thỉnh thoảng Vân có nghe thấy những câu chuyện về những cặp vợ chồng người lùn gặp nhau, yêu nhau, có những người sinh tới ba đứa con mà cả ba đứa đều khoẻ mạnh bình thường. Nhìn lại mình đã hơn 30 tuổi, cô lại thầm nghĩ "Cứ vừa đi vừa kiếm sống, rồi biết đâu cũng có một người đàn ông nào đó giống hoàn cảnh như mình, lại đồng cảm rồi thương nhau thì sao. Nồi nào úp vung nấy, chẳng lẽ ông trời nỡ đọa đày con người ta mãi hay sao?".

Khát vọng hạnh phúc giúp Vân có thêm nghị lực tiếp tục lên đường. Đã có mấy năm kinh nghiệm "ăn cơm thiên hạ", muốn đi đâu thì cô tìm đến các chốt cảnh sát giao thông, trình bày hoàn cảnh rồi nhờ các anh cảnh sát giao thông bắt xe giúp. "Thấy hoàn cảnh mình tội nghiệp nên các anh cảnh sát cũng thương, tôi chưa từng bị các anh ấy từ chối bao giờ. Dù đã được các anh cảnh sát gửi nhà xe nhưng khi lên xe, tôi vẫn đề nghị trả tiền xe như bình thường. Hiếm khi người ta lấy tiền của mình lắm, người ta bảo thấy thương thì cho đi thôi chứ lấy tiền người ta mang tội", Vân cười.

Ở Huế, hàng ngày người phụ nữ tật nguyền này đến chợ Đông Ba mua sỉ tăm, rồi đi hàng chục cây số đến các chợ như chợ Mai, chợ Cầu, chợ Cống, chợ Dạ Lê... để bán lại. Có hôm lạc vào đám đông chen nhau giữa chợ, người ta không nhìn thấy nên dẫm cả lên người, may mà có người phát hiện ra bế khỏi đám đông nên thoát chết. Có hôm lọt xuống cống ven đường mà không leo lên được, lũ trẻ nhìn thấy xúm quanh trêu chọc suốt hàng giờ. "Có những khi người ta tưởng mình như "sinh vật lạ", như "quái vật" nên vây quanh chỉ trỏ, đùa ghẹo. Những lúc ấy chỉ biết khóc thôi chú ạ", Vân tâm sự.

Chị Bé, một tiểu thương ở chợ Đông Ba tâm sự: "Tụi tôi lành lặn sống gần hết đời vẫn chưa rời khỏi đất Huế mà cô ấy tật nguyền thế kia còn đi từ Bắc vào Nam. Nhiều hôm tới đây bán tăm thấy tội lắm, mồ hôi nhễ nhại, mặt cháy đen, khi ngã thì không đứng dậy được. Có hôm ngất đi vì say nắng nhưng khi tỉnh lại chỉ xin uống hớp nước rồi lại đi tiếp".

Hôm tôi tình cờ gặp Vân đúng lúc người phụ nữ bé nhỏ này bị vấp ngã trên cầu Tràng Tiền. Hai gối còn ứa máu tươi nhưng cô vẫn không mở miệng nhờ ai, vẫn tự chống tay đứng dậy. Nhưng có lẽ cú ngã quá đau nên dù cố mấy lần cô cũng không đúng dậy nổi. Thấy vậy tôi đánh bạo đề nghị được giúp đỡ và nâng cô đứng dậy. Nhìn hai chiếc đầu gối rớm máu, đôi chân run lên vì đau, tôi lại đề nghị chở cô về. Cô cảm ơn rồi định dớm chân bước đi nhưng không thể. Tôi đỡ cô lên xe chở về nhà trọ ở một con ngõ trên đường Hải Triều (TP.Huế).

Những người cùng dãy nhà trọ với cô nhận xét: Vân mang hình hài của một đứa trẻ, nhưng sống đầy nghị lực. "Nắng mưa gì cũng đi làm, đau không kêu van ai hết. Ai tặng đồ ăn, cô đều nhất quyết trả lại hoặc trả tiền. Nhiều hôm chúng em mời cô sang ăn cơm cùng, nhưng cô không chịu ăn. Cô bảo các cháu là sinh viên lo cho mình còn chưa xong nữa lại đi lo cho cô. Biết thế nên nhiều hôm cô nhờ đi mua cơm hộp bọn em giấu cô cho thêm thức ăn vào, không dám nói kẻo cô lại không nhờ đi mua nữa", Nguyễn Thị Linh, một sinh viên cùng dãy nhà trọ cho biết.

Chủ nhà trọ của cô Vân cũng cho hay, thấy cô tội quá chỉ định lấy tiền thuê rẻ thôi nhưng cô Vân không chịu, bảo phải lấy bằng giá như những người khác thuê phòng ở đây, mỗi tháng 400 nghìn đồng. "Nhiều lúc cầm đồng tiền của cô Vân, tôi không cầm được nước mắt. Nhưng mà cô đã nói thế, tôi cũng không dám nói đi nói lại chú ạ, vì nghĩ kỹ thì người ta cũng muốn mình xem người ta như những người bình thường khác. Vậy nên thương mà cũng chẳng biết làm sao", bà chủ nhà trọ thật thà kể.

Vân tâm sự, cô chỉ mong mình có đủ sức khoẻ để đi khắp Việt Nam tìm được cho mình một "chàng chim cánh cụt" cùng cảnh ngộ. Vân thành thực: "Dành dụm nhiều năm rồi nên sắp tới trong chuyến đi qua Đà Nẵng, tôi sẽ mua cho mình một chỉ vàng trang sức để đeo cho giống người ta. Hơn nữa, lỡ có mệnh hệ gì dọc đường thì cũng có chút tiền, khỏi bắt người khác phải lo hết cho mình".

Đình Mão






Alert webmaster - Báo webmaster bài viết vi phạm nội quy
 

  góp ý kiến

 
   

  Kí hiệu: : trang cá nhân :chủ để đã đăng  : gởi thư  : thay đổi bài  :ý kiến

 
 

 


Nhà | Ghi danh Thành Viên | Thơ | Hình ảnh | Danh Sách | Tìm | Diễn đàn | Liên lạc | Điều lệ | Music | Link | Advertise

Copyright © 2024 Vietnam Single & Tim ban bon phuong All rights reserved.
Hoc Tieng Anh - Submit Website Today - Ecard Thiep - Hot Deal Network