becbuda
member
ID 16287
10/19/2006
|
quyên góp xây cầu Chôm Lôm
Tiền phong quyên góp xây cầu Chôm Lôm
TP - Trước tai nạn đắm đò làm 19 học sinh chết và mất tích ở Chôm Lôm (Nghệ An), báo Tiền phong quyết định mở cuộc vận động quyên góp tiền trong cả nước để xây dựng cây cầu ở đây. Hiện Tiền phong đã quyên góp được gần 500 triệu đồng.
Mỏi mòn tìm con. Nơi đây đang rất cần một cây cầu &nb sp; &nb sp; Ảnh: Quang Long
Khi chúng tôi báo tin: “Hôm qua, bạn đọc báo Tiền phong đã ủng hộ hơn 400 triệu đồng, góp phần cùng tỉnh xây cầu treo cho bà con Chôm Lôm và những ngày tới, số tiền ủng hộ từ bạn đọc sẽ còn cao hơn nhiều”, một cụ cao niên nói: “Có cầu bắc qua sông, các em học sinh Lạng Khê sẽ được yên lành đến lớp. Ước mơ ngàn đời của người dân sẽ thành hiện thực”.
Thêm một đêm khắc khoải
Tỉnh ủy Nghệ An đã chỉ đạo Tỉnh Đoàn phối hợp với Đài PT - TH Nghệ An tổ chức buổi truyền hình trực tiếp ủng hộ cuộc vận động của báo Tiền phong.
Chúng tôi trở lại Chôm Lôm, không khí nặng nề bao trùm khắp bến nước. Thợ lặn vẫn mải miết lùng sục dưới đáy sông, bất chấp giá rét. Việc tìm kiếm 6 em học sinh mất tích ngày càng khó khăn.
Người dân Chôm Lôm đứng kín hai bên bờ sông, nóng lòng theo dõi lực lượng cứu hộ vật lộn cùng dòng nước. Bóng chiều đổ xuống dòng sông lạnh, mặt trời chầm chậm khuất sau đỉnh núi Pha-Tằng, đoàn người ra về trong âu lo, thất vọng. Lại thêm một đêm Lạng Khê - Con Cuông khắc khoải.
Tiếng sấm rền vang, mưa như roi quất vào căn lều bạt bên sông. Sau khi xảy ra vụ tai nạn chìm đò tang thương, căn lều dã chiến được dựng lên làm nơi ở của ban chỉ huy cứu hộ, cứu nạn. Cán bộ tỉnh, huyện thay phiên nhau túc trực 24/24 giờ.
Trong bóng tối mịt mùng, ánh lửa một que diêm vừa bùng cháy vội tắt ngấm. Gió lạnh, mưa rơi, khí hậu miền sơn cước khắc nghiệt đang là một thử thách đối với cuộc dò tìm gian nan.
Xin đừng tái diễn cảnh xót thương tâm này
Bao năm qua, người dân “nhắm mắt” bước chân lên đò
Lạng Khê có hơn 4.800 nhân khẩu, 484 hộ, 7 bản. Bốn bản ở bên này sông, giáp Quốc lộ 7; ba bản bên kia sông gồm Chôm Lôm, Đồng Tiến, Yên Hòa.
Riêng Chôm Lôm có 447 người, hằng ngày học sinh phải qua sông bằng đò ngang để đến trường. Chôm Lôm là bản có phong trào giáo dục vượt trội nhất xã. Khi cả nước chưa có “Làng văn hóa”, bản làng này đã có cụm dân cư văn hóa, cụm tự quản. Bản này có nhiều học sinh thi đỗ CĐ, ĐH, mang ánh sáng về vùng sâu, vùng xa.
Bến sông Chôm Lôm, nơi xảy ra vụ tai nạn thảm khốc. Ảnh : Quang Long
Trở lại với an toàn đò ngang trên bến Chôm Lôm, Chủ tịch UBND xã Lạng Khê Vi Đình Phòng cho biết: “Khoảng 9 năm về trước, hầu như năm nào cũng có 1- 2 người chết đuối. Có lần, 3 em học sinh Trường THCS Lạng Khê rơi từ đò xuống sông, bị nước cuốn đi”.
Mùa mưa lũ, nước dâng lên ngập cây gạo, ngập bến sông, nhưng các em học sinh vẫn phải đội mưa đi trên con đò nhỏ tròng trành. Chuyến đò chở đầy người ra giữa dòng nước hung dữ đang cuồn cuộn chảy, tai nạn làm sao tránh khỏi? Hiểm họa khôn lường được báo trước từ lâu, nhưng người dân Chôm Lôm nói chung, các em học sinh nói riêng không có đường nào khác, đành phải bước lên đò.
Người dân Lạng Khê còn nghèo. Cho đến nay, toàn xã vẫn còn 256 hộ đói, nhiều gia đình đang sống trong nhà tranh tre dột nát. Kiếm đủ miếng cơm manh áo đã khó, tiền đâu để bắc cầu, càng không thể dựng cầu tre cầu gỗ vì chỉ qua một trận mưa lớn, cầu tạm sẽ bị lũ cuốn trôi. Một cây cầu treo nối hai bờ là mơ ước ngàn đời của người dân nơi đây.
Vì tương lai sẽ xán lạn
Cụ Lô Văn Mão, ông nội Lô Thị Mỹ Hương (học sinh lớp 6B) bó gối nhìn bức ảnh đứa cháu gái, miệng ông nghẹn đắng: “Hôm đò đắm, tôi có 5 đứa cháu đi học trên chuyến đò định mệnh ấy. Bốn đứa bơi được vào bờ, cháu Hương bị nước cuốn trôi. Nó học giỏi và ngoan lắm, năm nào cũng được nhà trường tặng giấy khen”.
Cụ Mão tuổi đã cao, nhưng trí nhớ còn minh mẫn: “Hai chục năm trở lại đây, đã có 34 người chết ở bến đò Chôm Lôm. Con đò đi ở chỗ nước chảy xiết, tai nạn đắm đò có thể ập đến bất kỳ lúc nào”.
Chị Lô Thị Tiệp, mẹ em Lô Thị Hương - học sinh lớp 6B đã chết trong vụ chìm đò, buồn đau: “Nếu không có một cây cầu bắc qua sông, nhiều học sinh bản Chôm Lôm sẽ nghỉ học vì sợ đắm đò”.
Ông Lô Hải Truyền (xã Lạng Khê) kể: “Mùa lũ, nước chảy, trắng xóa cả quãng sông. Bất kể lũ lụt, ngày hai buổi các em học sinh cấp 2 cư trú ở bên kia sông cũng phải đến trường. Bà con Chôm Lôm, Đồng Tiến, Thái Hoà dù biết muôn phần nguy hiểm cũng phải nhắm mắt bước lên đò”.
Khi chúng tôi báo tin: “Hôm qua, bạn đọc báo Tiền phong đã ủng hộ trên 400 triệu, góp phần cùng tỉnh xây cầu treo cho bà con Chôm Lôm”, ông Truyền hoạt bát hẳn lên: “Vậy là mơ ước của trăm nghìn con người nơi đây sẽ thành hiện thực!
Chiều qua, chị Nguyễn Thị Thu Hường – Bí thư Tỉnh Đoàn Nghệ An cho biết: “Tỉnh ủy chỉ đạo: Hưởng ứng cuộc vận động của báo Tiền phong, ngày 21/10 tới Tỉnh Đoàn sẽ phối hợp với Đài truyền hình tỉnh tổ chức cầu Truyền hình trực tiếp để phát động các Đoàn viên thanh niên, Đội viên Thanh niên xung phong và các doanh nghiệp trong toàn tỉnh quyên góp tiền xây cầu cho bản Chôm Lôm”.
Góp tay xây dựng cầu Chôm Lôm
Thảm họa đắm đò kinh hoàng sáng 7/10 ở bến Chôm Lôm (xã Lạng Khê, Con Cuông, Nghệ An) gây ra cái chết thương tâm cho 19 em học sinh khiến dư luận cả nước sững sờ. Một cây cầu treo sẽ giúp các em học sinh và người dân nơi đây thoát khỏi thảm họa kinh hoàng như ngày 7/10 định mệnh vừa qua. Báo Tiền phong mở cuộc vận động bạn đọc ủng hộ, góp sức cùng tỉnh Nghệ An xây cầu tại bến đò Chôm Lôm.
Alert webmaster - Báo webmaster bài viết vi phạm nội quy
|