Minhxotxa
member
ID 39785
04/11/2008
|
Những tiếng rao của …thời gian
Như tình cờ, người viết chỉ ghi lại những tiếng rao của Hà Nội xưa và nay, của quá khứ và hiện tại. Nhưng đọc kỹ, người ta không khỏi giật mình. Đó đâu chỉ là tiếng rao của thân phận người lao động mưu sinh. Đó là tiếng rao của thời cuộc nhiều đổi thay, tiếng rao của …thời gian. Giữa một xã hội bình yên, chậm phát triển với một xã hội đang hối hả vươn lên nhưng đầy phức tạp đến bất ổn. Những tiếng rao…để các nhà quản lý xã hội, xin hãy lắng nghe...
Ngày ấy, tôi còn nhỏ tuổi, theo mẹ suốt ngày bán hàng ở một quầy tạp hoá nhỏ trước cửa chợ Đồng Xuân. Mẹ chiều tôi lắm, cho ăn quà vặt suốt ngày. Với mỗi đứa trẻ, không gì sung sướng hơn khi được ăn quà mẹ mua cho. Buổi sáng, những tiếng rao và những người bán quà lần lượt đi qua cửa hàng:
- Bánh mỳ nóng ròn đơ..i…
Bánh mỳ ngày ấy có riêng loại cho trẻ con. Bánh chỉ nhỏ và dài bằng cái thước kẻ , to bằng quả chuối tiêu nhưng điều đặc biệt là nó giòn tan, dù ăn vào bất cứ lúc nào. Người bán bánh mỳ là những bác trung niên hoặc là các cậu thanh niên 17, 18 tuổi, không hề có phụ nữ đi bán bánh mỳ. Ai không thích ăn loại bánh mỳ này, thì chọn loại bánh mang dáng dấp như bây giờ.
Người bán bánh, một tay xách bao tải bánh còn nóng và thơm phức, vai đeo một hòm gỗ từa tựa như cái hòm gỗ của các cậu đánh giầy hiện nay. Trong đó là patê, chả, giò và một cái ống nứa, một đầu có lỗ thủng đựng muối rang trộn lẫn hạt tiêu để rắc vào bánh cho khách.Tuyệt nhiên không có dưa chuột, hành, vài lát cà chua và cả tương ớt như bây giờ.
Gánh cốm Vòng - Nguồn ảnh: Blog Uyên
Tiếng rao này còn vang rất xa trong những đêm đông khuya khoắt trên những con phố ít ánh đèn, hoặc ở những ga tàu hoả đang chờ khách xuôi ngược như ga Hàng Cỏ hoặc ga đầu cầu Long Biên. Còn có một tiếng rao nữa mà tụi trẻ chúng tôi thoáng nghe thấy là biết ngay, đó là: “Ai ốc mút …Ai ốc mút đây…”
Đó là môt thú ăn, gọi là quà cũng được mà gọi là thứ ăn chơi cho khỏi nhạt miệng cũng được. Cô bán hàng nghe có người gọi liền chạy ngay đến, lấy đĩa xúc một đĩa đầy, cài luôn vào đĩa ốc một đồng tiền chinh. Khi ăn, người ta cắm con ốc mút chỉ to bằng nửa cái dăm kèn của kèn đám ma vào cái lỗ vuông ở giữa đông tiền chinh và bẻ mạnh, thế là con ốc cụt phần đuôi. Xong xuôi chỉ việc đưa lên miệng …mút .Thịt ốc dai và giòn, nước trong con ốc ngọt, tẩn mẩn ăn rất thú vị. Bây giờ chẳng thấy ai bán nữa.
Chưa hết quà này, lại đã nghe tiếng rao: “Ai đậu tương luộc khô..ng? Ai……”. Món quà cũng lạ.Thật dân dã, giản dị .Cây đậu tương khi lá đã vàng, đến lúc thu hái rồi, người ta nhổ cả cây lên còn nguyên cả gốc rễ, quả chĩu chịt, rửa sạch, rồi đem luộc lên. Khi ăn, người ta chỉ việc tách ra từng hạt. Đậu tương luộc như thế này ăn rất ngọt và bùi, thú lắm. Tiếng rao lại tiếp tiếng rao:
- Xôi vò chè đường …nào .
- Bánh trôi, bánh chay đây…
Mải buôn mải bán chả ai để ý đến thời gian trong năm trôi đi rất nhanh, đến khi nghe tiếng rao: “- Cốm Vòng, cốm Vòng đây…” thì mọi người chợt tỉnh: Thôi, đã sang thu rồi. Cốm Vòng, chuối tiêu trứng cuốc, bưởi rám má hồng, hồng Hạc Trì từ các miền quê đã theo lái buôn về xếp từng sọt đầy ở bến Long Biên.
Tiếng rao " Cốm Vòng nào…" len lỏi khắp phố phường, xóm ngõ. Tiếng rao này cũng giống như tiếng rao: “Ai tóc rối đổi kẹo…”. Một đôi quang gánh toòng teng, một bên là nồi kẹo mạch nha, một bên là các vật dụng lặt vặt. Lũ trẻ con chúng tôi nghe thấy tiếng rao vậy là chạy về xin bà nội, xin chị gái gỡ ở trên mái hiên lợp lá gồi hoặc lợp ngói các cuộn tóc rối mà mỗi buổi sáng chải đầu, tóc rụng, bà hoặc chị liền cuốn lại nhét vào đó.
Nhận nắm tóc rối, bà bán hàng mở nồi kẹo, lấy một cái que xoắn lấy một ít mạch nha, rồi xoe tròn to bằng quả sấu. Thế là thành một que kẹo mạch nha, trẻ con tha hồ mút dần từng tý một. Những ngày ấy các cửa hàng của Hà Nội thường đóng cửa sớm. Đường phố Hà Nội còn ít ánh đèn, trong ánh sáng lờ mờ của đường phố, chợt tiếng rao: “- Ai phá xa húng lìu nào…Ai phá xa…” có một âm thanh ấm cúng lạ.
Tôi đã từng thán phục một ông già Tàu, người Phúc Kiến. Mỗi lần tôi mua lạc rang của ông, với bằng ấy tiền thì ông bốc bằng tay bằng ấy hạt lạc, rồi bỏ vào cái gói giấy cuốn hình sâu kèn, rất gọn. Tôi đã mấy lần đếm thử, lần nào cũng không hơn không kém một hạt lạc.
"Bánh trôi, bánh chay đây...!" - Ảnh: VNN, Hoahoctro.vn
Các tiếng rao đêm cứ lần lượt cất lên:
- Chế mà phù …đây…Đó là một thứ chè đường nấu với vừng đen, ăn rất ngậy.
- Lục tào xá…Ai lục tào xá … Lại cũng là chè, nhưng chè này được nấu từ đậu xanh với đường, ăn nóng rất thú vị.
- Bánh trôi Tàu …đơi… Cái món này ăn vào những tối mùa đông thì ấm nóng cả người lên vì nó có cả vị gừng thơm nữa.
Những món này, người Hoa kiều ở Việt Nam thạo nghề nhất. Cái dáng họ quảy gánh hàng đi bán và tiếng rao của họ đã trở thành một ấn tượng khó phai trong tâm trí chúng tôi, nhất là cái nón đội đầu của họ và cái dáng lầm lũi đi buồn buồn, như gánh trên vai cả số phận nhọc nhằn.
Trời về khuya hơn một chút thì lại nghe: “- Ai bánh khúc no..óng nào…” và âm thanh giòn tan của hai thanh tre cật gõ vào nhau: “Sực tắc, sực tắc…” Nghe tiếng rao đó, ai muốn ăn đêm, chỉ cần gọi họ lại. Thế là trong chốt lát, một bát phở hoặc một bát vằn thắn mì nóng hổi đã được mang đến tận nhà.
Những tiếng rao hiền hoà, những tiếng rao của quá khứ.
* * *
Bây giờ thời hiện đại, nhiều tiếng rao làm người ta sửng sốt. Bạn đã nghe tiếng rao này chưa?
- Chuột đồng, chuột cống, chuột chù, ăn vào gật gù một tý chết ngay. Chuột Tây, chuột ta, chuột Bồ Đào Nha, chuột Nga, chuột Pháp, chuột Tuy Ni Di, chuột Thổ Nhĩ Kì, chuột gỉ chuột gì, chuột gì cũng chết …Thuốc bả chuột đơ..i.
Hoặc:
- Ai mà chẳng có đôi tai.
Mẹ ơi con muốn có hai cái vòng.
Bao ngày con đợi con mong.
Giờ đây con đã có vòng đeo tai… Bấm máy lỗ tai nào… Bấm máy…
Có những kiểu rao báo ghê rợn... - Ảnh: ketnoi.com
Rồi tiếng rao:
- Quạt điện, quạt trần, ăm-li, biến thế Lioa, đài điện, đài pin, máy bơm, lò nướng, đồ hỏng vứt đi, giữ để làm gì …Bán ngay đi…Nào….ai…Rồi lại:
- Cóc cụ, cóc ông, cóc bà, cóc con, cóc cháu làm ruốc trẻ con đ..i.
Lại còn kiểu rao báo ghê rợn:
- Cháu gái xiết cổ bà ngoại lấy ba chục đồng theo trai đi bụi. Giết người chặt làm ba khúc nhét vào tủ lạnh, công an phá án chỉ trong có ba ngày… Báo A , báo B, báo G, báo P…đơ..i.
Lời rao trên còn được phóng thanh qua hệ thống ămpli chạy pin. Nó cứ hét vào tai mọi người trên đường phố, vọng tận ngõ hẻm… Khiếp quá.
Nguyễn Viết Bình
Alert webmaster - Báo webmaster bài viết vi phạm nội quy
|
Trang nhat