giacphudu
member
ID 60271
04/24/2010
|
Đút cơm
Đút cơm
AT - Mẹ có bầu lần thứ hai. Mẹ bảo, thế có nghĩa là cô bé sắp có em, sắp làm chị rồi đấy.
Cô bé nhìn mẹ, mắt tròn xoe, tuổi lên ba chưa hiểu được tất cả những điều mẹ nói.
Mẹ ốm nghén, mệt mỏi kinh khủng. Bố đi làm xa, nên mẹ lại càng vất vả. Đi làm về, bới chén cơm cho con xong, mẹ chỉ muốn nằm xuống giường nghỉ mệt. Mệt rã rời, đến mức không đủ sức bón cơm cho cô bé như mọi ngày. Cô bé lon ton chạy lại:
- Mẹ, mẹ mệt hả? Mẹ nằm xuống đi, con khám bệnh cho mẹ!
- Ừ, mẹ mệt. Hôm nay con tự xúc cơm ăn nghe!
Không có bộ đồ chơi bác sĩ nhưng cô bé vẫn bắt mẹ nằm xuống, giả vờ đeo ống nghe, tay phải sờ lên ngực mẹ đo nhịp tim. Mẹ hỏi:
- Mẹ bị sao, con?
- Mẹ bị ốm rồi, mẹ phải uống thuốc. Ăn cơm xong, mẹ mới được uống thuốc.
Cô bé leo xuống giường, lon ton chạy lại cầm lấy bát cơm. Mẹ im lặng, dõi nhìn...
Rồi cô bé đến trước mặt mẹ, bắt chước mẹ mọi ngày, xúc cơm, bón cho “người bệnh”, miệng bi bô dỗ dành: “Mẹ ngoan, mẹ ăn đi!”.
Mẹ nhìn con, trào nước mắt, vì thương con và hạnh phúc. Miệng đắng chát nhưng miếng cơm con đút nghe ngọt cả lòng mẹ, con yêu!
ĐINH THỊ THANH NGỌC (TP.HCM)
Nhuộm tóc
AT - Con gái út của bố mẹ tròn hai mươi tuổi, tươi tắn, trẻ trung với mái tóc đen, mượt. Con gái học đại học xa nhà gần ba trăm cây số. Lúc lên đường, bố mẹ dặn mãi một điều: Đừng có theo bạn bè mà nhuộm tóc hay ép tóc con nhé!
Bố mẹ năm nay đã gần sáu mươi, hai mái đầu đều pha sương vì những lo toan, vất vả của cuộc đời, chăm lo cho con gái được học hành bằng người.
Nghỉ hè, con gái về nhà. Mẹ đưa cho con gái lọ thuốc nhuộm tóc màu đen, bảo: "Con gái nhuộm cho mẹ trước, cho bố sau. Ở quê mình bây giờ, mấy ông bà già ai cũng nhuộm tóc màu đen cả”. Con gái cầm chiếc lược, chải lên mái đầu đã bạc gần hết của mẹ, rồi tiếp tục làm những công đoạn cần thiết của việc nhuộm tóc...
Xong xuôi, con gái cùng bố mẹ ra soi gương. Nhìn hai mái đầu bạc đã được nhuộm đen, bố mẹ rất hài lòng. Mẹ cười, bố cười, con gái cũng cười. Nhưng con gái biết lòng mình đang khóc.
PHẠM THỊ HUYỀN TRANG (K49 ĐH Vinh, Nghệ An)
Về quê
AT - Nam thư thả buông cần câu. Đã lâu lắm rồi từ ngày rời quê lên thành phố đi học, Nam không được hưởng không khí trong lành như thế này. Bỗng... rầm! Cái gì thế này?!
Cả làng quê nháo nhào. Trời ơi! Tai nạn! Con cái nhà ai thế này, máu me bê bết, nằm bất tỉnh bên một con chó nằm thẳng đơ, cái xe máy nát tươm, đường bêtông bị cày lên như cày ruộng. Người ta tuôn đến, xúm xít vây quanh vụ tai nạn bất ngờ. Cả làng quê vốn thanh bình tự nhiên nhốn nháo lên hơn họp chợ. Thì ra là thằng Dũng - con bà Năm - sinh viên nghỉ hè về quê chơi.
Về nhà, mẹ Nam phàn nàn: Ai chứ thằng đó bị tai nạn chẳng ai thèm thương xót. Người làng chẳng hiểu nó lên thành phố được người ta cho ăn cái gì mà về quê nó thay đổi như vậy. Trước kia ở nhà nó ngoan hiền là thế, mới dính mùi thành phố một tí đã thay đổi. Đi học về, nó cho mình là sinh viên nên to nhất làng. Đi đâu mặt nó cũng vênh lên như bánh đa nướng, gặp ai cũng chẳng thèm mở miệng chào. Đầu tóc thì sum sê như ở rừng mới về. Còn vụ tai nạn này nó bị cũng chẳng oan. Nhà nó khá giả một chút, mua được chiếc xe máy.
Về quê nó tháo pô ra, rú ga làm cả làng như muốn vỡ ra. Nó cưỡi lên xe là không còn biết trời đâu đất đâu. Làng quê chó mèo nhiều, trẻ con nhiều. May mà nó đụng phải con chó, chứ đụng phải người khác thì tội nghiệp người ta. Nó tưởng nó là ai chứ? Nó chỉ là con bà Năm quần quật chỉ biết có ruộng vườn. Nếu không có cái làng quê này thì làm gì có nó.
Mẹ Nam quay sang răn dạy Nam: Mày muốn học kiểu gì thì học, phải nhớ một điều là hạt lúa, củ sắn, củ khoai... đã nuôi mày thành người, phải nhớ sống có lề có lối, phép vua còn phải thua lệ làng, sống phải có trên có dưới. Mày lớn rồi muốn sống ra sao thì sống, đừng để người ta nói là kẻ có học mà như không thì nhục lắm, con à!
LƯU VĂN DIN (Nam Định)
Alert webmaster - Báo webmaster bài viết vi phạm nội quy
|
Trang nhat