Vietnam Single Tim Ban Bon Phuong  


HOME  -  FORUM  -  REGISTER  -  MY ACCOUNT  -  NEW  PHOTOS  -  BROWSE  -  SEARCH  -  POEM  -  ECARD  -  FAQ  -  NCTT  -  CONTACT

Sponsored links


Diễn Đàn
 Những chủ đề mới nhất
 Những góp ư mới nhất
 Những chủ đề chưa góp ư

 
NCTT Những chủ đề mới nhất

NCTT Những góp ư mới nhất
NCTT Website


Who is Online
 

 

Forum > Truyện ngắn >> Biển đêm dậy sóng .

 Bấm vào đây để góp ư kiến

Trang nhat

 phovang11
 member

 ID 73226
 08/26/2012



Biển đêm dậy sóng .
profile - trang ca nhan  posts - bai da dang  email -goi thu   Thong bao bai viet spam den webmaster  edit -sua doi, thay doi edit -sua doi, thay doi  post reply - goy y kien


Ông Tư Đọ nhìn chiếc Huy Chương Kháng Chiến trên vách, ông thở dài. Những
năm tháng nằm gai nếm mật, cùng hứng mưa bom đã xa rồi, tình đồng chí cũng đã
xa rồi. Các đồng đội xưa người thì đã nằm xuống, người thì giờ đã là một tầng
lớp khác, quyền cao chức trọng, có ai nhớ tới Trần Đọ cùng chung địa đạo ngày xưa?

Giờ đây, người bạn tâm giao với ông nhất lại là người đã từng ở chiến tuyến đối
nghịch với ông ngày nào. Đó là Ba Son, ngày trước là một Trung sĩ Thủy Quân Lục
Chiến của chế độ cũ, bây giờ lại là em rể út của ông.

Từ vài năm nay, ông cùng với người em rể là Ba Son, đã vay tiền ngân hàng đóng một tàu cá để chuyên đi câu cá ngừ đại dương . Nghề câu cá ngừ đại dương lúc này đang rất thịnh hành ở Xã Tam Quan Bắc, Huyện Hoài Nhơn nầy cũng như ở các làng chài ở Khánh Hoà , Phú Yên. Nếu may mắn thì trong vòng ba , bốn năm, hai người có thể trả được vốn vay ngân hàng, và sau đó sẽ có được chiếc tàu của riêng mình để sinh sống.

Ông Ba Son, là lính chế độ cũ, bản tính hiền lành, siêng năng nhưng gan dạ, vợ mất sớm. Là chòm xóm, lại hay đi biển chung, cùng trang lứa, hai ông rất hạp nhau để rồi cuối cùng Ba Son trở thành em rể ông Tư Đọ.

Quay qua quay lại đã vào đầu tháng chạp. Chuyến biển vừa rồi không khá, nên ông quyết định đi chuyến nữa để kiếm tiền tiêu Tết, lại còn cưới vợ cho con nữa. Bình, con trai ông Tư Đọ, lúc nào cũng theo sát cánh bên cha trong những chuyến ra khơi xa.

Ông Tư Đọ đi một vòng trên chiếc Hòa Bình, chiếc tàu mà ông đã đặt tên theo tên của hai người con gái và trai của ông, kiểm tra lần cuối mọi việc. Tất cả đã sẵn sàng, ông ra lệnh nhổ neo. Trên bờ, những người thân của ông Tư cùng mười thuyền viên cùng đưa tay vẫy chào đoàn người đi vào lòng biển cả. Một lần đi là bao gian nguy đợi chờ trước mắt, nào ai biết ra sao ...Chỉ khi nào trở về thì mới biết là còn đó với vợ con. Đi biển cũng không thua gì đi vào một cuộc chiến đấu cô đơn mà quân thù thì rất hùng mạnh và vô hình.

***

Ông Tư ra đứng trước mũi tàu, biển xanh biêng biếc mênh mông tận chân trời. Vùng biển quê hương đã bao đời gắn liền với người dân Việt, đã nuôi sống cho bao thế hệ lớn lên, mở mang bờ cõi về phương nam. Vậy mà ! Ông chép miệng, lắc đầu, xua đi ý nghĩ xa xôi trong đầu...

Chuyến biển nầy, ông cho tàu đi chếch về hướng đông bắc để đón làn cá ngừ đại dương. Theo kinh nghiệm thì vào tháng nầy, khi đã dứt những cơn bão, cá ngừ bò theo dòng hải lưu di chuyển dần từ Thái Bình Dương vào Biển Đông, khoảng giữa vĩ tuyến 14 và 18, tức là khoảng ngoài khơi của Đà nẵng và Quảng Bình . Ngày đầu, ông sẽ cho tàu chạy ra khơi khoảng 30 tiếng, rồi bắt đầu câu mực và đánh cá chuồng để làm mồi, hai thứ này là mồi mà cá ngừ bò ưa thích nhất.

Trời đã xế chiều, ông Tư Đọ và Ba Son đứng quan sát luồng nước biển. Nước biển xanh biếc, nhưng với ánh mắt nhà nghề, hai ông đã thấy lấp loáng một luồng nước xanh đen. Hai người đàn ông gục gặc đầu, với kinh nghiệm đi biển lâu năm, hai người biết là đã gặp luồng mực xà. Mực bao giờ cũng ̣đi thành từng đàn, vừa đi vừa thải một ít mực ra nên nước có màu xanh đen, thẫm hơn nước biển bình thường. Vậy là tốt rồi, có mực thì cũng hy vọng có cá ngừ quanh quẩn, được một công đôi việc luôn. Ông Tư quay vào trong:

- Này, chuẩn bị xuống biển tụi bay, có rồi đó .

Người dân biển thường nói ngắn gọn, dễ hiểu. Sống trên đầu sóng, ngọn gió nên phải nói làm sao cho nhanh nhất mà người khác hiểu được. Vì vậy đôi khi ta nghe người dân biển giã ăn nói có vẻ cộc cằn, không êm dịu là vậy. Êm dịu sao được khi sóng gió nổi lên ầm ầm, phải quát lên mới nghe được. Chính những con người thô lỗ, cộc cằn đó đã mang lại cho chúng ta những món quà của biển bằng chính sự cực khổ và đôi khi, bằng cả sinh mạng của họ.

Các bạn chài sau một thời gian nghỉ ngơi trên đất liền giờ cũng háo hức sẵn sàng bắt tay vào công việc. Mọi người đều hy vọng kỳ biển này sẽ thành công, ai cũng sẽ về ăn một cái Tết thậ̣t trọn vẹn cùng gia đình, vợ con thân yêu ở quê nhà.

Trời nhá nhem tối. Ba cái thúng cùng ba bạn chài đã được thả xuống biển, mỗi cái cách nhau khoảng vài cây số. Vì là chỉ câu mực để làm mồi nên không cần số lượng nhiều lắm, chỉ mấy chục ký là đủ rồi, sau đó sẽ tính tiếp, vì mồi phải tươi thì mới hấp dẫn được cá ngừ bò.

Mỗi cái thúng đều được trang bị một bình điện ắc-quy và hai đèn gồm một đèn soi mực, một đèn báo hiệu và một bộ đàm. Ba Son cũng ở trên một cái thúng câu. Ông mở cả hai đèn, thả đèn câu xuống dưới mặt nước khoảng hai thước rồi bắt đầu móc mồi câu. Mồi là những con cá nhỏ mà tàu đã kéo lưới trong khi chạy. Ở mỗi đầu của cây sắt có nhiều móc làm thành lưỡi câu đã có gắn sẵn những giây kim tuyến lóng lánh màu sắc, ông móc mồi cá vào đó. Câu mực không phải như câu cá, lưỡi câu và mồi đều khác câu cá. Ông thả câu vòng quanh thúng rồi giương đèn chiếu xuống nước ngồi chờ. Câu mực đêm phải có đèn, chính ánh đèn sẽ hấp dẫn mực đến và mồi giả kim tuyến sẽ làm cho mực thấy mồi thật và ăn mồi. Trước kia, người câu mực chỉ dùng đèn măng-sông( một loại đèn bằng dầu rất sáng của Pháp ), nhưng bây giờ thì dân câu dùng bình ắc quy tiện hơn.

Phao bắt đầu đụng đậy rồi lay chuyển liên hồi, mực đã cắn câu. Ba Son kéo sợi dây cước lên, lúc đầu chậm rồi nhanh dần. Dưới ánh sáng của đèn, dưới sâu cách mặt nước 5,6 thước ông đã thấy những con mực xà vùng vẫy dưới đầu cây câu như những cánh chong chóng của cây quạt điện lúc sắp dừng. Ông gỡ mực bỏ vào thúng,cắt râu mực để làm mồi, móc rồi thả lại xuống nước. Bên trái phao lại khua rồi lắc mạnh, cái thúng của ông bị kéo đi. Ông lẩm bẩm, " Chà, thứ lớn đây". Rồi ông bắt đầu kéo cước, bên dưới chắc phải là một con mực lớn lắm vì nó không chịu thua ông, nó kéo cả thúng chạy luôn. Ông đành phải buông cho cước lỏng ra, kinh nghiệm với những con cá hay mực lớn thì phải kéo, thả nhiều lần cho nó mệt rồi mới kéo lên được. Ông và con mực quần nhau cả gần nửa tiếng rồi cuối cùng ông phải vã mồ hôi mới kéo con mực lên được. Con mực nằm chình ình, phồng mình lên trong thúng như con heo, râu ngoe ngoảy loạn xạ. Đây là một con mực lá khổng lồ, nặng cũng cỡ 30 ký, dân biển thường gọi là mực bà, loại này hiếm gặp và thịt rất ngon, thường câu được thì chỉ để ăn chứ không bán.

Ông ngồi đốt điếu thuốc nhìn khói lãng đãng qua ánh đèn đêm. Giờ này, chắc thằng Bin còn đang xem phim hoạt hình mèo chuột. Ông thấy nhớ con lạ lùng, năm nay ba có tiền sẽ mua cho con chiếc máy bay điều khiển làm quà Tết. Món quà mà thằng Bin đã mơ ước bao lâu nay nhưng ông chưa thể cho con được.

Từng lọn sóng cuộn nhấp nhô cái thúng bé tí giữa đại dương đen ngòm, gió mùa đông bắc thổi lành lạnh làm ông càng nhớ nhà thêm. Lại có tiếng phao động, ông trở về với thực tại, hài lòng nhìn con mực "chiến lợi phẩm" của mình, mai nầy thế nào cũng có tiệc liên hoan mừng ra quân may mắn.

Trời mờ sáng, tàu bắt đầu vớt thúng. Theo luồng gió và hải lưu, chỉ trong một đêm, các thúng đã trôi xa vị trí ban đầu cả 40, 50 hải lý, tức là gần cả trăm cây số. Tàu sẽ theo hướng gió để đi vớt thúng. Nếu là tàu chuyên về câu mực thì phải có từ 20 đến 40 thúng tùy theo tàu lớn nhỏ và thời gian vớt hết thúng cũng phải mất vài tiếng đồng hồ. Sau đó, bạn chài còn phải lo làm mực để phơi. Xong công việc thì cũng trưa rồi, cơm nước rồi ngủ chỉ được vài ba tiếng là lại phải dậy đi câu nữa. Có ai trong chúng ta khi ăn một con khô mực nướng thơm phức, có bao giờ nghĩ rằng ngư dân đã phải vô cùng cực khổ lặn lội đêm hôm giữa biển khơi như vậy không ?

Hôm nay, thúng nào cũng khá vì trúng luồng mực. Cộng với số mực, cá chuồng trên tàu câu và kéo lưới nữa thì cũng là đủ mồi cho cả tuần lễ câu cá ngừ bò rồi. Mọi người đều hài lòng, trưa hôm đó, tất cả liên hoan với một lít Bàu đá và thịt mực bà đem luộc, nướng, thật là vui vẻ. Trong lúc mọi người ngủ thì ông Tư Đọ đi vòng vòng kiểm tra mọi thứ. Nào là máy điện, vàng câu, giây triên, giây thẻo câu... Tánh ông là vậy, lại thêm ông là thuyền trưởng và là chủ tàu nữa nên ông muốn mọi việc phải được chu toàn. Thà là mình cứ làm hết sức, nếu có thành bại là ngoài sức của mình, khi đó mình cũng không phải ân hận vì đã không lo liệu mọi việc đến nơi, đến chốn. Mọi người thấy ông như vậy thì cũng đều làm tốt công việc theo ông, không ai dám chểnh mảng, ai cũng vui lòng vì có một thuyền trưởng tận tụy và kinh nghiệm.

Đâu đó rồi ông Tư cũng vào làm một giấc ngủ ngắn, trên tàu chỉ có người tài công còn thức thôi. Nghề làm biển là vậy, hiếm khi ngủ được giấc ngủ cho đã như trên bờ. Công việc rất bận rộn, mà lại thường làm vào đêm nhiều, vì đêm là lúc thuận lợi nhất để đánh bắt cá.

Ông Tư Đọ giật mình thức dậy vì nghe tiếng Bình, con trai ông gọi, " Cha, có ráng mỡ gà cha ơi ! " . Ông Tư bước ra boong tàu, nhìn về hướng đông bắc. Xa xa , quả thật ông thấy có ráng mỡ gà, một màu vàng óng ả hừng lên phía chân trời. Ông chép miệng, " Không lẽ tháng này còn bão rớt ! ". Ông kêu mọi người thức dậy ra xem ráng. Với người đi biển, ráng mỡ gà rất là đáng ngại vì nó báo trước sẽ có bão hoặc giông, đây là kinh nghiệm đoán thời tiết qua bao nhiêu đời cha ông truyền lại và rất chính xác.

Bây giờ, ai cũng hiểu là sẽ có giông tới, còn quyết định như thế nào thì chỉ do ông Tư Đọ thôi. Ông Tư cũng không có nhiều lựa chọn, chỉ có hai con đường : Một là bỏ chạy vô bờ, kể như chấp nhận thua chuyến nầy, để bảo toàn người và tài sản. Hai là trụ lại giữa biển khơi, chống chỏi với bão tố để sau khi cơn bão qua đi, sẽ thả câu và thường thì sẽ rất trúng vì cá đang rất đói mồi. Ông nhìn kỹ bầu trời, rồi cùng bàn bạc với Ba Son, hai người đều đồng ý rằng đây là một cơn giông chứ không phải là bão, vì ráng không có phạm vi lớn lắm. Giông thì cũng nguy hiểm, nhưng không kéo dài như bão , thường chỉ vài tiếng sau là dứt. Ông Tư Đọ quyết định ở lại biển khơi, ông hỏi ý kiến mọi người và tất cả đều đồng ý. Dĩ nhiên là mọi người đều biết những hiểm nguy đang chờ đợi họ trước mắt, nhưng đã đi biển thì phải chấp nhận thôi , " Chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo " .

Mọi người chuẩn bị đối phó tình hình. Những vật dụng gì mang được xuống hầm thì mang xuống hết, những thứ khác thì được buộc chặt vào tàu. Máy phát điện, máy bơm nước được kiểm tra kỹ lưỡng. Xong rồi, mọi người ăn cơm tối và chờ đợi cơn giông tới trong hồi hộp.

Khoảng nửa đêm, gió bắt đầu mạnh. Những vì sao đêm đã biến mất , bầu trời chỉ còn một màu đen nghịt cùng tiếng gió rít rợn người. Mọi người trên tàu vẫn bình tĩnh, tất cả đều đã quen với giông gió biển khơi. Rồi cơn giông cũng tới cùng với những giọi mưa lộp bộp trên cabin tàu. Hai ông Tư Đọ và Ba Son đứng cầm lái tàu để chống chọi cùng sóng gió. Lúc gió bão thì tài công rất quan trọng, phải nói tài công là người nắm vận mệnh cả tàu trong tay. Lúc nào cũng phải cho tàu chạy chậm, quay mũi về hướng gió và phải lách cho tàu chẻ từng con sóng, không cho tàu quay ngang, sẽ bị sóng đánh lật.

Gió ầm ầm, mưa như trút nước . Tàu chòng chành nghiêng ngửa dữ dội. Mỗi lần con sóng dập tới, tàu lại chẻ sóng lướt mũi lên cao, nước biển tuôn rào rào vào boong tàu, phía sau đuôi tàu chúc thấp xuống, tưởng như con tàu sắp bị lộn ngược, nhưng rồi mũi tàu lại hạ xuống, trả lại cân bằng cho con tàu. Đôi khi, tàu bị nghiêng một bên, mép tàu thấp sát mé nước, còn bên kia thì cao lên như sắp lật, nhưng rồi tàu lấy lại thăng bằng như một phép lạ, giống như ta cố dựng một tấm nệm lên để lật ngược qua mặt bên kia, nhưng rồi mỏi tay thả trở xuống lại. Hai ông Tư Đọ và Ba Son người ướt đẫm, nhưng vẫn can trường cùng con tàu vật lộn với sóng gió.

Một đợt sóng cao lại ùa tới, chiếc tàu nhào lên rồi rớt xuống như con ngựa trong cuộc đua nhảy rào. Bỗng nhiên, có tiếng gió phực rầm rầm phía sau, con tàu lạng quạng như muốn vượt khỏi tầm điều khiển. Ông Tư quay lại. Mấy cái thúng cột sau đuôi tàu đã bị bứt một đầu dây và đang ngửa lên không như ba chiếc dù bọc gió ầm ầm nên đã làm mất thăng bằng con tàu. Ba Son vội nhảy vào cabin hét lên, " Đưa dao chặt dây ", cầm con dao, Ba Son nhảy ra phía đuôi tàu, xuống tấn và chặt vào phần dây cột thúng còn dính vào tàu. Ba chiếc thúng được "giải phóng" bay vút đi vào không trung như ba chiếc dù thật sự ... Các thuyền viên khác lo phụ bơm nước, nước đã tràn vào hầm tàu khá nhiều, người khác nữa thì lo cột lại những phao, lưới đã bị gió bung nghiêng ngửa...

Tiếng mưa, tiếng gió, tiếng sóng ầm ầm gào thét... con người thật nhỏ bé giữa thiên nhiên !

Vài tiếng sau, cơn giông rồi cũng qua đi. Biển lại yên lặng, hiền hòa, dể thương như cô gái mới lớn.

Mọi người đều lạnh và mệt lữ, kiểm tra lại đồ đạc xong là lăn ra ngủ. Ông Tư dự tính, cho anh em nghỉ ngơi lấy sức lại tới chiều nay sẽ cho thả câu, hy vọng sẽ trúng vì cá đang đói mồi.

Mặt trời đã xuống con sào. Ánh nắng vàng nhẹ loang loáng trên mặt biển gợn sóng trải dài tới chân trời.

Gió lại bắt đầu nổi lên. Những cơn gió mùa đông bắc thường làm biển động lên tới cấp 3,4 hay 4,5 là mức đủ cho ngư dân phải chống trả mệt mỏi với sóng gió. Chỉ có tàu lớn từ 150 mã lực trở lên như tàu của ông mới có thể ra khơi xa, tàu nhỏ hơn thì chỉ đi xa bờ khoảng 100 hải lý. Tàu cá Việt nam phần nhiều thuộc loại nhỏ, nên chỉ quanh quẩn đánh bắt ở vùng biển gần, riết rồi sản lượng ít dần. Bây giờ, những con tàu lớn hơn sẽ thuận lợi hơn vì sẽ có thể đến được những những ngư trường rộng lớn hơn và sản lượng cá cũng dồi dào hơn.

Ông Tư Đọ đã cho chuẩn bị sẵn sàng vàng câu để ra quân câu cá ngừ bò. Đây mới là lúc thực sự vào cuộc ăn thua. Nếu may mắn, được vài tấn cá bò thì ông và anh em bạn chài năm nay sẽ ăn Tết lớn, bỏ công cực khổ cùng sóng gió cả năm. Nhưng nếu không may, không gặp cá thì cũng đành về trong thất bại, cũng không thiếu gì lần ông đã trở về với lỗ lã, không đủ chi phí xăng dầu, bạn chài thì không có tiền đóng tiền trường cho con, không có tiền để lại nhà cho vợ con để đi ra khơi chuyến khác. Làm biển là vậy. Khi trúng thì vui vẻ, ăn xài rầm rầm thoải mái, nhưng đến mùa gió bão thì đói meo, phải đi vay tiền đong gạo cũng chua chát lắm.

Máy định vị tầm ngư đã cho tín hiệu đàn cá. Ông Tư cho lệnh xuất quân. Mọi người vào vị trí đã được phân công của mình. Hôm nay, Ba Son trở lại nắm tài công chính để điều khiển tàu, vì đây là việc quan trọng, cần phải cho tàu đi theo đúng hướng gió và hải lưu, tốc độ lại vừa phải để thả câu.

Tàu bắt đầu thả câu. Mọi người đều ở trần làm việc, những bắp thịt cuồn cuộn, những hình xâm trên cánh tay của mỗi người cũng nhún nhẩy theo động tác nhịp nhàng của từng người thủy thủ. Người đi biển, người nào cũng có một hình xâm riêng biệt trên cánh tay, đề phòng trường hợp bất trắc thì vẫn còn nhận ra được.

Bình, con trai ông Tư Đọ đứng thả giây triên câu, vị trí nầy rất quan trọng và có thể quan sát tất cả mọi việc. Giây triên câu là sợi giây chính của vàng câu, rất dài, độ dài thường lên đến 30 hải lý, tức là hơn 50 km. Từ giây triên câu này, những thẻo câu được bắt vào, có những khóa xoay để chống xoắn, dây thẻo câu dài khoảng hơn 20 m, đầu cuối của thẻo câu dùng để buộc lưỡi câu qua một ống kẹp. Khi thả xuống nước thì dây triên câu sẽ được định vị cho nằm song song và chìm cách mặt nước khoảng 15m , còn dây thẻo câu thì thẳng góc với triên câu.

Trước tiên, thả phao cờ đầu vàng câu xuống nước trước. Phao cờ là phao, trên có một cây cờ màu cam, sơn phản chiếu nếu có ánh sáng chiếu vào, phao cờ là điểm đầu của vàng câu, từ xa có thể quan sát và biết đầu vàng câu nằm ở vị trí nào, cũng là để cho tàu bè đi ngang biết và tránh. Cuối của vàng câu cũng có một phao cờ như vậy, vàng câu như một sợi dây dài nằm dưới nước, hai đầu được ̣đánh dấu bằng hai phao cờ. Ba thủy thủ ngồi móc mồi, một người khác thả thẻo câu đã có mồi và Bình thì đứng thả triên câu, lại có một người thả phao ganh, những người khác thì phụ mang vật dụng, ông Tư Đọ thì chỉ huy tổng thể. Tất cả làm việc nhịp nhàng trong gió chiều lồng lộng.

Nắng chiều sắp tắt, chỉ còn lại chiếc tàu nhỏ bé và những ngư dân cô độc giữa biển cả mênh mông.

Hai tiếng rưỡi sau, việc thả câu mới hoàn tất. Ba Son cho tàu nằm ở một vị trí thuận lợi để có thể quan sát tốt vàng câu. Mọi người lo cơm nước, nghỉ ngơi để lát nữa thu câu lên. Thời gian ngâm câu thường khoảng 2 tiếng, không ngâm lâu quá vì chất lượng cá sẽ không tốt. Cá ngừ bò nầy phải tươi thì mới có giá, khi câu được là cho vào hầm nước đá liền.

Mọi người tranh thủ nằm nghỉ, ai cũng thả hồn vào những ý nghĩ riêng tư, vào nỗi nhớ vợ con, gia đình, người yêu. Bình, con trai ông Tư Đọ, chuyến này về sẽ làm đám cưới. Bình thấy nhớ người yêu, người vợ sắp cưới da diết. Quen nhau đã hai năm nay, hai người đã thấy tình yêu đủ chín muồi để đến hôn nhân. Bình mơ một thằng bé kháu khỉnh để ông Tư ở nhà hủ hỉ với cháu nội, ông đã già rồi, không thể để ông đi biển mãi được. Ông Tư Đọ nằm nghĩ ngợi, cầu trời cho chuyến này về được kha khá để lo cưới vợ cho con, rồi còn phải lo gom góp trả tiền vay ngân hàng nữa. Ba Son thì nhớ Cu Bin, thằng nhỏ giờ nầy chắc lại xem hoạt hình mèo chuột nữa rồi. Lấy vợ trễ nên giờ Ba Son mới có Cu Bin được 6 tuổi, ông cưng thằng nhỏ khỏi nói, như trứng mỏng. Vậy mà lâu nay cũng chưa mua được chiếc trực thăng điều khiển cho thằng bé, chuyến biển rồi không khá, chỉ đủ cơm gạo, ông hy vọng rất nhiều vào chuyến đi nầy. Đời thủy thủ xa bờ, ngày đêm chỉ biết làm việc, mong đến ngày về để gặp lại vợ con, gia đình.

Thời gian ngâm câu đã đủ, ông Tư bắt đầu cho kéo câu lên. Phao đuôi cờ được vớt lên trước và tháo ra để dây triên câu được quấn vào bộ ly hợp rồi được máy thu kéo quấn vào . Mỗi người lại được phân chia vị trí, người nào việc đó : - Một người đứng điều khiển bộ ly hợp, hướng dây triên câu vào máy thu - Một người đứng máy thu và sắp xếp dây triên, tháo móc các thẻo câu - Một người kéo thẻo. - Một người kéo phao ganh và quấn ganh. - Hai người thu thẻo cho vào thúng thẻo. Những người còn lại phụ gỡ phao, kéo cá...

Tất cả phải làm việc nhịp nhàng và mau lẹ, thuần thục. Tàu chạy từ từ, dây câu đã được kéo lên, những đoạn đầu chỉ dính được những thứ cá khác, không lớn lắm, có cả một con cá nhám cỡ 50 ký, loại cá nầy người ta chỉ cắt lấy vi thôi. Nhưng rồi, mọi người cũng reo lên khi con cá ngừ đầu tiên được kéo lên. Con cá khoảng hơn 40 ký, đây là trọng lượng trung bình của cá ngừ bò. Tùy theo loại, cá ngừ bò có thể cân nặng từ vài chục ký tới vài trăm ký. Phải ba bốn người dùng móc mới kéo lên được những con cá có trọng lượng cả trăm ký như vậy. Cá càng lớn lại càng có giá ở thị trường nước ngoài, không phải như ở Việt nam, cá lớn thì không dám ăn. Cá ngừ bò trước khi được xuất khẩu thì giá rất rẻ, đôi khi người ta chỉ cho heo ăn !

Hơn ba tiếng sau, công việc kéo câu mới hoàn tất. Mẻ câu này trúng lớn, được hơn tấn cá ngừ bò, ai nấy cũng hân hoan ra mặt, cười nói thật vui vẻ. Sau khi xong hết công việc, ông Tư cho phép anh em làm một lít Bàu đá cho vui.

Đêm đã khuya, bầu trời đầy sao lấp lánh, vũ trụ thật huyền ảo. Trên những vì tinh tú xa xôi kia, có bao giờ cũng có cảnh một nhóm người đang lặn hụp giữa đại dương như vậy không ?

Mọi người đang hứng chí với men rượu nồng thì bỗng dưng Bình lại kêu lên, " Cha ơi, lên xem". Ông Tư vội vàng lên, vì ông biết có chuyện gì đây nên thằng Bình mới kêu ông như vậy. Ông Tư nhìn theo hướng tay Bình chỉ, thấy một chấm sáng có vẻ như đang hướng về tàu của ông. "Con theo dõi nó tự nãy giờ, nó đi ngay tàu mình đó". Ông cũng cảm thấy như vậy. Tàu trên biển là chuyện thường, ra xa bờ thì cũng hay gặp tàu đi, nhưng lần này ông có cảm giác là lạ. Nếu tính theo đường hàng hải thì hướng đi nầy đâu phải đường đi, vì đó là hướng Hoàng sa, chỉ có tàu Trung Quốc mới xuất hiện ở hướng đó thôi. Thường thì những tàu hàng hải quốc tế khác không đi ngay vào hướng tàu ông đang đậu như vậy, vì vị trí của tàu ông đang ở giữa Hoàng sa và Việt nam. Ông nhắm chừng , khỏang cách giữa hai tàu chỉ khoảng độ chưa tới 5 hải lý, mà thường những tàu lớn vậy thì tốc độ cũng phải cỡ 15 hải lý/giờ, nghĩa là gấp hai tàu của ̀ông. Bây giờ, nếu tàu ông bỏ chạy thì cũng khó lòng thoát được nếu đúng là ra-đa của chúng đã tìm thấy tàu của ông và truy đuổi. Tự nhiên ông rùng mình, đây là cái cảm giác mà ông chỉ có khi gặp hiểm nguy từ thời chiến tranh. Ông vội ra lệnh tàu chạy, phải tôn trọng cảm giác của mình, cứ chạy đã rồi hãy hay. Nếu không có việc gì thì lại càng tốt, chứ không lẽ đợi chúng đến kế bên rồi thì còn tính gì nữa. Tàu nổ máy, tăng tốc chạy hết ga chếch về hướng tây nam vô bờ. Nếu tàu kia không cố ý truy đuổi thì vài chục phút sau là sẽ thấy nó xa dần, ông tính toán như vậy.

Ông Tư ra lệnh tắt hết đèn cũng như những thiết bị điện tử như máy bộ đàm, máy định vị. Kinh nghiệm của thời chiến tranh cho ông biết những thiết bị điện tử sẽ giúp cho địch phát hiện dễ dàng ra vị trí của mình. Mọi người đều hồi hộp, cơn giông bão hôm qua tuy cuồng nộ và dữ dội nhưng không làm mọi người lo âu như bây giờ. Ai cũng hy vọng chiếc tàu kia chỉ là một chiếc tàu hàng nào đó, chỉ là tình cờ gặp ngay trên đường đi mà thôi.

Đã mười lăm phút trôi qua, chiếc tàu kia không mất dạng mà ngày càng gần hơn. Rõ ràng là nó đang đuổi theo tàu của ông Tư Đọ. Chiếc tàu của ông Tư gầm lên chạy băng băng bất kể những con sóng lùa nước rào rào lên boong tàu. Dường như chính chiếc tàu cũng cảm nhận được nguy hiểm và không muốn lọt vào tay kẻ địch.

Ông Tư nhìn ra sau, ông lắc đầu tuyệt vọng, không còn kịp nữa rồi ! Khoảng cách thu hẹp dần, 3,2 rồi 1 hải lý. Bây giờ, qua ống dòm ông thấy rõ chiếc tàu khá lớn đang lù lù phía sau, trong màn đêm mờ mờ ánh sao trời. Gương mặt mọi người đều căng thẳng, không biết chuyện gì rồi sẽ xảy ra với mình đây, lâu nay đã nghe nhiều quá rồi. Bắt người, đánh đập, lấy ghe, nộp phạt...

Rồi việc gì tới cũng phải tới. Chiếc tàu to lớn đã áp sát tàu của ông Tư, khoảng cách chưa đầy một trăm thước. Có mấy tiếng súng nổ, rồi tiếng loa vọng ra bằng tiếng Việt " Dừng lại" .

Khoảng cách bây giờ chỉ là 50m, những ngọn đèn pha sáng trưng chiếu vào tàu ông Tư rõ mồn một từng thứ vật dụng. Ông Tư đành phải cho tàu dừng lại, giờ nó không cần bắn, chỉ càn tới thôi là tàu mình đủ nát như tương. Qua ánh sáng những ngọn đèn, ông Tư thấy chữ China trên thành tàu, còn mấy chữ nữa ông không hiểu, nhưng ông biết rằng đây là tàu hải giám của Trung Quốc.

" Tất cả lên boong tàu, ra phiá trước mũi, đứng yên theo hàng ngang và đưa tay lên đầu" , âm thanh từ cái loa phát ra bằng tiếng Việt khá chuẩn theo giọng Bắc.

Ông Tư kêu mọi người lên và làm theo yêu cầu của chúng, ông biết rằng không thể cãi lại chúng được trong lúc nầy, cứ nghe theo lời rồi xem chúng làm gì mình. Ông thấy một chiếc ca-nô từ trên tàu được hạ xuống biển với gần cả chục người trang bị súng ống. Chiếc ca-nô chạy lại tàu ông và chúng lần lượt leo lên trong khi những người khác luôn hừm sẵn súng.

- Ai là thuyền trưởng ? Một người lính Trung quốc tầm dưới 40 tuổi hỏi bằng tiếng Việt. Ông Tư lên tiếng:

- Tui là thuyền trưởng.

- Tàu của ông đã vi phạm vùng biển của Trung quốc, nên sẽ bị bắt giữ. Các ông hãy chấp hành mệnh lệnh.

- Chúng tôi vẫn còn ở trong vùng 200 hải lý, là vùng đặc quyền kinh tế của Việt nam, sao lại bắt chúng tôi ?

- Im mồm ! Tên lính vừa quát vừa lấy báng súng đập vào đầu ông Tư. Ông Tư đã để ý nên né ngang và hất một đòn tay làm tên lính tàu xiểng liểng. Thế là hai ba tên nữa xông vào đánh ông, những tên khác thì chỉa súng vào những thuyền viên khác trên tàu để uy hiếp.

Thật ra, bình thường thì ông Tư coi mất tên này chả vào đâu, ông cũng có ngón nghề Bình Định cùng những món hiểm của đặc công mà ông đã học được từ chuyên gia Liên xô trong thời chiến tranh. Nhưng ông biết rằng, giờ mà chống cự thì chúng sẽ bắn ông và cả những người khác trên tàu, nên ông chỉ đỡ những cú đánh của chúng mà không phản kháng lại.

Mọi thuyền viên khác, nhất là Bình, con trai ông Tư và Ba Son, đều căm hận lên đến cực điểm nhưng trước họng súng của địch, họ không thể làm gì hơn được. Chúng dồn cả mọi người ra ngồi ở trước mũi tàu rồi trói chân tay từng người. Sau đó chúng lục soát tàu rồi bốn tên xuống ca-nô còn bốn tên ở lại. Một tên lái chiếc Hòa Bình của ông Tư Đọ chạ̣y theo tàu lớn của chúng. Ông Tư cùng mười thuyền viên ngồi yên, chân tay bị trói mỏi nhừ, chẳng ai dám nói tiếng nào. Ai cũng lo lắng cho số phận, buồn cho mình thì ít mà lo cho gia đình vợ con thì nhiều. Người nào cũng là cột trụ trong gia đình, có bề gì thì vợ con sống sao đây, ai cũng nặng trĩu cõi lòng. Ông Tư thầm nghĩ, mẹ! mấy cái thằng ăn cướp nầy, không lẽ chịu thua tụi mầy hay sao, đằng nào thì tao cũng kể như chết rồi. Nó tịch thu tàu, người thì bị bắt nộp tiền chuộc mạng, cũng kể như chết rồi, giờ phải làm sao đây ? Cái máu lì lợm, gan dạ của ông lại nổi dậy, phải liều thôi !

Đêm đã khuya lắm, chắc cũng hơn hai giờ sáng rồi, hai vì sao cân nước dưới đuôi chùm Nam Tào đã lên cao nơi cuối trời. Ông Tư ngồi cạnh cái mỏ neo, ông bắt đầu cứa dây vào cạnh mỏ neo, hy vọng sẽ làm cho dây đứt. Chúng trói mọi người bằng một thứ dây dù, tuy mềm mại nhưng rất chắc, người nầy dính xâu với người kia. Nếu một người mở dây trói được thì hy vọng sẽ có thể mở được cho những người khác. Phía đầu ca-bin, chúng mở đèn sáng rọi vào đám tù nhân ngồi lố nhố, ba tên lính ngồi trên boong tàu, tay súng sẵn sàng canh chừng. Ông Tư ra sức cứa mãi dây trói vào cái mỏ neo, dù động tác này làm sợi dây càng siết vào cổ tay thật đau. Ông chỉ cần sao cho một sợi dây đứt là được. May quá ! Cuối cùng rồi sợi dây cũng bị đứt, nhưng chúng trói bằng nhiều vòng, ông vẫn chưa thể tự mở trói được. Ông cố cựa quậy tay cho dây trói lỏng bớt, Ba Son ngồi phía sau cố giúp ông bằng hai ngón chân cái, sợi giây lỏng dần và rồi ông đã rút tay ra được. Ông bấm vào mọi người làm hiệu và tay vẫn để nguyên phía sau, ông âm thầm mở dây cho người kế bên. Rồi người kế bên lại mở tiếp cho người kế bên nữa, sau khoảng tiếng đồng hồ thì tất cả mọi người đều đã được mở trói, chỉ có ba người ngồi hàng đầu thì chân vẫn không mở được vì sợ chúng phát giác. Phải dụ chúng lại gần mới được, ông và Ba Son sẽ cướp súng của chúng, tàu lớn của chúng đi phía trước khá xa, chúng chỉ liên lạc bằng bộ đàm, nếu ông giành lại được quyền kiểm soát tàu thì sẽ may ra chạy thoát. Ông vờ lên tiếng rên rồi kêu lên " Anh ơi" . Tên lính đang ngồi, đứng dậy nhìn nhưng không đi tới. Ông Tư la lên '"nước", tên lính cũng chẳng nhúc nhích. Ông nói thầm với mọi người rồi cùng la lên " Nước" , mấy tên lính nói chuyện xầm xì với nhau, có lẽ chúng cũng hiểu là mọi người muốn "xin' uống nước. Tàu của mình, nước của mình nhưng bây giờ phải xin để uống. Thật ra thì mọi người cũng khát lắm rồi, đi trên biển rất là khát nước, mà cũng đã mấy tiếng rồi không được uống nước. Rồi thì một tên lính xách một can nước đi tới, một tên nữa hừm súng đi theo. Chúng cũng đâu muốn các ngư dân Việt chết, còn sống thì chúng mới bắt nộp tiền chuộc mạng được chứ! Tên lính đi tới, giơ bình nước trên cao rồi tưới xuống đám tù nhân Việt, những giọt nước làm tỉnh táo mọi người. Bỗng nhiên...

Nhanh như cắt, ông Tư Đọ và Ba Son vùng lên cùng lúc. Hai tên lính chưa kịp phản ứng thì đã bị đốn ngã, hai khẩu súng đã bị ông Tư Đọ và Ba Son cướp và bắn xối xả về phía cabin.

Đèn đuốc tắt ngấm. Tên lái tàu đã bị bắn hạ, còn tên kia núp vào phía sau cabin, gần đuôi tàu bắn chống trả. Ông Tư và Ba Son đã là những quân nhân dày dạn chiến trường nên hiểu ý nhau, hai người chia ra hai bên mép tàu, núp sau các máy thu dây, những đống phao ganh và những giàn thúng đựng thẻo câu. Tất cả chín thuyền viên còn lại đã lao ra khống chế hai tên lính và cũng núp phiá sau những đống phao, lưới. Ông Tư Đọ hiểu là phải hành động thật nhanh, vì tên kia đã gọi về tàu lớn và chúng sẽ quay lại không bao lâu nữa. Ông Tư lấy một cái phao ném về phía cabin, quả nhiên tiếng súng từ sau cabin nổ ròn rã. Ông Tư bắn trả trong khi Ba Son từ bên mép trái tàu, lợi dụng bóng đêm đã bò lên tới cabin. Ông Tư từ sau giàn máy vẫn bắn cầm chừng, Ba Son đã tiến sát hông trái cabin, ông Tư bỗng bắn dữ dội, tiế́ng súng sau cabin cũng đáp trả dữ dội không kém, ánh lửa loé sáng liên tục. Bỗng một tràng súng từ bên trái đuôi tàu vang lên và im bặt.

- Xong rồi anh Tư ơi ! Đã bao lần chiến đấu trong thời kỳ chiến tranh, nhưng chưa bao giờ hai người lính Việt, từng ở hai chiến tuyến, hôm nay lại có một trận đánh đã đời như vậy. Hai người đều nghĩ thầm, đây mới là một trận chiến đúng nghĩa từ ngày họ biết cầm súng.

Chiến thắng rồi, nhưng chưa trọn vẹn. Bây giờ lại phải hành động cho nhanh. Máy tàu lại được tăng ga, chạy hết tốc lực. Xác hai tên lính đã được ném xuống biển. Chiếc tàu hải giám Trung quốc đã quay trở lại, chỉ trong vòng một tiếng nữa lại sẽ bắt kịp chiếc Hoà Bình. Lần này, ông Tư và mọi người đã quyết tâm chạy tới cùng, nếu bị bắt, ai cũng hiểu là điều gì sẽ đến với họ. Ánh đèn của chiếc tàu hải giám ngày càng lớn dần, ông Tư bỗng nảy ra một quyết định.

- Tất cả, chuẩn bị mì gói, nước uống, phao riêng cho mỗi người. Chúng ta sẽ bỏ tàu.

Mọi người vội vàng sửa soạn, ánh đèn pha đã gần lắm rồi ! Hai tên lính bị trói trên boong, những cây súng được vất xuống biển. Ông Tư cột tay lái tàu cho giữ hướng chạy vào bờ rồi ra lệnh mọi người nhảy xuống biển. Đã đến nước nầy thì đành phó mặc cho trời thôi ! Tất cả thuyền viên đã nhảy xuống biển, chiếc tàu vẫn lao vút đi, mang theo hai tù nhân tuyệt vọng...

Ông Tư Đọ thoáng chạnh lòng, nhìn chiếc tàu thân yêu rời xa, mất hút vào đêm đen...
Khi đã ở dưới nước, cứ ba người cột lại thành chùm một. Biển đêm đen ngòm như phận đời của những ngư dân đang trôi nổi trên triền sóng.

***

Làng chài Xã Tam Quan Bắc vừa thức giấc sau giấc ngủ yên bình. Những ánh nắng vàng nhạt đầu tiên vừa le lói trên bãi cát vàng đã lô nhô người. Những tàu nhỏ và thúng câu đã vào bờ, giờ là lúc gỡ cá trên bãi cát, ngay mép nước biển.

Hương, cô gái trẻ, người vợ chưa cưới của Trần Bình, con trai ông Trần Đọ, mở TV nghe bản tin buổi sáng của Đài Truyền Hình VTV:

" Một tàu cá Việt nam đã vớt được ba ngư dân trôi giạt trên biển. Các thuyền viên trong tình trạng kiệt sức, một người đã qua đời, họ cho biết tàu cá của họ đã bị tàu lạ đâm chìm. Người chết là ông Trần Đọ, thuyền trưởng tàu cá số hiệu ......., còn 8 thuyền viên khác được ghi nhận mất tích..."

***

Tiếng sóng buổi sớm mai nhè nhẹ, rạt rào như khúc ru ngàn đời đưa tiễn những người con Việt về lòng biển khơi.


26/8/12

Chú thích :

- Cá ngừ đại dương : Còn gọi là cá ngừ bò hay cá bò gù, có thịt màu bỏ như thịt bò, rất ngon. Có nhiều ở Biển Đông từ khoảng cuối năm đến nửa năm sau. Được xuất khẩu sang Nhật và Mỹ bằng đường hàng không. Ở Mỹ, cá ngừ bò có tên là Tuna, rất được ưa chuộng.

- Vàng câu : Tiếng chuyên môn để chỉ giàn câu cá ngừ đại dương, rất dài, có thề tới 50 km.

- Hải lý : Dặm biển, 1 hải lý = 1852 m.

- Tàu Hải giám : Tàu cảnh sát biển Trung quốc.



Alert webmaster - Báo webmaster bài viết vi phạm nội quy
 

  góp ư kiến

 
   

  Kí hiệu: : trang cá nhân :chủ để đă đăng  : gởi thư  : thay đổi bài  :ư kiến

 
 

 


Nhà | Ghi danh Thành Viên | Thơ | H́nh ảnh | Danh Sách | T́m | Diễn đàn | Liên lạc | Điều lệ | Music | Link | Advertise

Copyright © 2024 Vietnam Single & Tim ban bon phuong All rights reserved.
Hoc Tieng Anh - Submit Website Today - Ecard Thiep - Hot Deal Network